Thursday, September 22, 2011

VÌ MỘT LỜI THỀ ..

  Người Gốc Nẫu   

                        

Mấy lúc gần đây không những chỉ có những người đang sống trong cái viện dưỡng lão trên dưới 200 giường này, mà còn có rất nhiều người khác cũng đang xôn xao bàn tán về cái hình ảnh của một cụ già tuổi độ thất tuần, mà lúc nào ông ta cũng quyến luyến bên cạnh bà vợ, người đàn bà đang mắc phải chứng bịnh mất trí ở tuổi già, vừa  được đưa vào cái viện dưỡng lão, độ chừng vài tháng nay.

Không phải là người ta đang nguyền rủa những đứa con thiếu trách nhiệm đã nhẫn tâm tống khứ người mẹ già, đang mắc phải một căn bệnh không còn biết tự mình chăm sóc cho bản thân vào đây. Mà quả thật là người ta đang ca ngợi cái tình yêu mà người chồng đã dành cho bà vợ, ngay cả lúc mà bà không còn nhận biết hay đáp trả cái tình yêu đó nữa.
Có nhiều người ca ngợi và ngay đến những người trẻ tuổi cũng đều cầu mong cho mình gặp được một ông chồng chung tình như vậy, để trao gởi tấm thân và dâng trọn trái tim mình suốt đời.
Qua kinh nghiệm trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều biết rằng, rất khó có thể tìm gặp được một mẫu người như vậy. Họ chỉ còn biết ước ao cái hình ảnh ấy sẽ xảy ra với chính mình, cho tới những tháng ngày cuối đời.
Tuy nhiên họ không mong mình bị mất trí như bà ta mà chỉ ước ao rằng người chồng của mình lúc nào cũng cận kề như thế, mãi hết tuổi già.
Có được như vậy thì quả thật là hạnh phúc biết bao!

Không ít những bà vợ ngồi lại với nhau và cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái câu chuyện nầy như muốn nhắn nhủ quý ông chồng của họ rằng : "đó là một ước mơ lớn nhất trong đời và là một niềm hãnh diện của người đàn bà làm vợ ".
Cái hình ảnh của một ông lão tóc đã bạc khá nhiều nhưng dáng vẻ còn rất phương phi, tinh thần vẫn còn sáng suốt. Không thấy ông nói nhiều nhưng rất thân thiện, vui vẻ và luôn giữ đúng phép xã giao chào hỏi, với mọi người chung quanh mà ông có lần gặp gỡ.
Không có buổi ăn nào ở trong cái viện dưỡng lão này mà ông vắng mặt. Ông luôn ngồi bên cạnh người vợ vô hồn, thân thiện múc từng muỗng thức ăn đưa lên tận miệng cho bà. Ông nắm lấy tay vợ và nhỏ nhẹ nhắc nhở từng chặp khi mà bà quên nuốt . Chiếc khăn màu hồng luôn có sẵn trong tay, chờ lau sạch những thức ăn vô ý dính hai bên khoé miệng.
Cái hình ảnh thân mật và sự chăm sóc khá chu đáo ấy, đã làm cho hầu hết những người đang sống tại viện dưỡng lão nầy cũng như thân nhân của họ để ý, suy tư và bàn tán ...

Không ai biết ông bà có bao nhiêu người con và gia cảnh của họ ra sao.
Từ ngày bà được đưa vào cái viện dưỡng lão nầy, chỉ thấy có mỗi một mình ông là thường xuyên vào đây thăm bà mà thôi.
Người ta không thể khai thác được gì từ người vợ vì bà đang mắc chứng bịnh mất trí. Bà luôn ngồi lặng yên một chỗ, mắt nhìn bâng quơ như người không hồn.
Cũng có vài người tìm cách lân la trò chuyện với ông, mong rằng sẽ moi được một vài tin tức cần thiết. Nhưng lúc nào ông cũng trả lại bằng một nụ cười thân thiện và từ chối trả lời những câu hỏi có liên hệ đến đời tư, một cách thật khéo léo .

Không phải là ông không biết những gì mà mọi người đang bàn tán về ông, về cái tình yêu khó tìm thấy được trên cõi đời nầy, nhất là trong thời buổi hiện nay. Cái thời buổi mà mấy bà rất lấy làm lo lắng mỗi khi chồng mình đề nghị về lại VN thăm nhà, cho dù lúc nào cũng có mấy bà đi kèm bên cạnh.

Những năm mà vợ ông chưa mắc phải chứng bệnh bất trị này, một người bạn thân của bà có kể lại cái câu chuyện của một cặp vợ chồng tuổi đã già, thường xuyên đi về VN. Lúc thì để xây lại phần mộ gia tộc, lúc thì thăm viếng con cháu hoặc là đi theo các tour du lịch trong nước, mong nhìn thấy được những miền đất quê hương mà mình từng nghe mà chưa bao giờ đặt chân tới đó. 

Chuyện kể, lúc nào bà vợ cũng kề cận bên ông nhưng sau đó thì lại phát giác ra được là ông đã dan díu với một người phụ nữ còn trẻ tuổi, sống cạnh bên nhà của đứa cháu mà ông bà thường trú ngụ, mỗi lúc về thăm VN.

Không biết câu chuyện nầy có thật hay không, nhưng chính nó là cái cớ mà ông đã không được trở về thăm lại quê hương. Mấy anh chị của bà bên ấy cũng thường xuyên nhắn gọi về thăm để nhỡ tuổi già bất thường, biết đâu sẽ không còn cơ hội gặp mặt. Nhiều lần bà cũng muốn đi nhưng rốt rồi đành phải quyết định để huỷ bỏ cái dự tính đó.

Vợ ông, không phải là người tình đầu đời mà lại là người mà gia đình ông đã thuyết phục để đi đến hôn nhân. Cuộc hôn nhân mà ông cũng hoàn toàn ưng chịu sau khi người tình đã từ giã để đi lấy chồng.
Quả thật thì mối tình đầu của ông không kéo dài được lâu, nhưng nó đã cho ông một vài kỷ niệm khó quên, của thời thanh niên tuổi trẻ.

Cách đây vài năm khi hay tin vợ ông mang bịnh, mấy anh chị bên vợ đã khuyên ông nên đưa bà về thăm quê một chuyến. May ra hình ảnh quê hương cũng như sự hội ngộ gia đình có thể nhắc cho bộ nhớ của bà hoạt động bình thường trở lại.

Và đấy là lần đầu tiên ông được nhìn lại đất nước mình sau hơn hai mươi năm xa cách. Hầu hết thành phố gần như đổi khác khá nhiều, khiến ông ngỡ ngàng không ít.
Ông đã về thăm lại làng quê, nơi mà ông đã trải qua suốt thời niên thiếu. Con đường dọc theo bờ đê dẫn vào cổng làng vẫn không mấy đổi thay. Cây bàng cổ thụ cách xóm nhà không xa, vẫn còn đứng đó. Cái cây bàng ấy đã có trước khi ông được sinh ra khá lâu. Ông còn nhớ những buổi trưa nắng gắt, bóng mát toả rộng của nó đã giúp cho những người trong làng ngồi nghỉ chân mỗi khi đi dọc theo cái con lộ nầy.

Bấy giờ cũng là mùa thu, lá vàng đã rơi nhiều nằm đầy quanh gốc, dọc theo con lộ và lác đác bay xa đến vài thửa ruộng gần bên. Dẫm chân trên đống lá khô, tiếng động lào xào đã khiến cho lòng ông chùng lại. Nó nhắc cho ông nhớ cái ngày xa xưa, cái ngày mà ông vừa tròn hai mươi tuổi .  

Hôm ấy, trời cũng vào thu như hôm nay, lần đầu tiên ông đưa người tình về quê ra mắt ba mẹ. 
Có lẽ cô ta là gái thành thị nên không quen đường xa cùng cái nắng của miền quê, nên đã phải uống nhiều nước cho đỡ mệt. Chính vì thế mà trên con đường làng vào nhà, bước đi của cô có vẻ không được thoải mái cho lắm. 

 Dò hỏi vài lần nhưng cô e thẹn không đáp, tưởng chừng như cô đang lo sợ khi sắp phải đối diện với ba mẹ mình. Ông luôn miệng trấn an, nhưng vẻ mặt cô vẫn mãi ngường ngượng khác thường.
Một lúc thật lâu, như không còn chịu đựng hơn nữa, cô ngập ngừng như sợ ai đó nghe được:
-          Em mót tiểu quá anh à, làm sao đây ?
Ông cố trấn an, nói khẽ :
-          Em ráng một chút nữa thôi, sắp tới nhà mình rồi!
Cô nhăn mặt, gần như muốn khóc
-     Không thể nhịn được nữa đâu, em đã nhịn từ lúc còn trên xe đò cơ mà. Đồng trống như thế này thì làm sao bây giờ, chắc em chết mất!
Ông vội dìu nàng đi nhanh hơn và nhắc:
-    Đến gốc bàng kia, anh sẽ có cách giúp em, yên tâm đi .

Ông chợt nhớ trong xách tay của mình có sẵn cái áo mưa nhà binh, loại trùm kín cả người và chỉ chừa lại cái mặt lòi ra mà 
thôi. Đây là món quà của chú ông trong đợt về phép, sau lần tình nguyện gia nhập binh chủng nhảy dù.
Ông thích cái áo mưa nầy lắm, vì nó rất tiện lợi. Có thể dùng nó để làm tấm trải mỗi lần chơi biển hay lên rừng du ngoạn cùng với mấy đứa bạn cùng trường. 
Con đường cao ráo vắng vẻ, nhìn quanh ông thấy có vài người đang lo việc đồng áng nơi mấy thửa ruộng gần bên. Ông yên tâm rút nhanh cái áo mưa từ trong cặp ra và lôi nhẹ người tình lại gần gốc bàng hơn, như để che khuất khỏi mấy người từ xa trông thấy. Ông trùm vội chiếc áo mưa rồi kéo phủ nàng vào trong.
Hình như nàng quá lo lắng cho nên có một chút ngập ngừng, không đoán được ông muốn làm gì. 
Ông ghì vai nàng và nói nhỏ:
-  Em ngồi xuống đi, tự nhiên giải to. Sẽ không có ai biết đâu , đừng sợ.
Nàng còn ngập ngừng vì e thẹn:
-          Em mắc cỡ quá đi, em không dám .
Nói như vậy nhưng sự bức bách đã không cho phép cô ta lưỡng lự thêm nữa.
Tiếng nước va mạnh vào lá khô, tạo ra cái âm thanh xào xạc khiến ông muốn bật cười thành tiếng, nhưng sợ nàng mắc cỡ nên ông đành nén lại tận sâu trong cổ họng .
Bất thần, có người dẫn đàn bò băng ngang. Sợ người nầy nghe được cái âm thanh của sự va chạm mạnh. Ông hơi bối rối và nói rất khẽ : 
 - Nhè nhẹ một chút đi em, có người đang tới gần mình, coi chừng có người họ nghe được!
Nhưng không còn kịp nữa rồi, ông vội hốt mấy lá bàng khô rồi vò nát trong tay nhằm gây tiếng động áp đảo.
Cụ già là người trong làng nên nhận ra ngay ông là ai , cụ nhìn chằm chằm vào cái khuôn mặt tái nhợt đang cúi gằm của ông rồi cất tiếng hỏi:
 -   Ai như thằng Bá con bà Năm đi học ở tỉnh về phải không? Mầy đang làm gì ở đây?
Ngượng quá nhưng ông cũng nói bừa cho xong chuyện:
-    Dạ, con đang nhặt lá bàng về nhóm lửa bác ạ !
Ông già tính hỏi gì thêm nữa nhưng mấy con bò của ông đang tiến gần tới cái đám ruộng lúa non. Ông phải chạy theo cho nhanh để kịp ngăn chúng lại, ông vừa chạy vừa lầm bầm trong miệng nhưng cả hai cũng còn nghe rõ:
-   Coi bộ thằng này nó học nhiều quá thành phát điên rồi chăng?
Cả hai bật cười rúc rích ...
Chờ cho cụ già đi khuất ông bảo nàng chui ra khỏi chiếc áo mưa, vừa xếp gọn nó lại vừa nói:
-   Anh đã thành người điên vì em rồi đó!?
Liếc mắt nhìn ông một cách tình tứ, nàng mắng nhẹ:
-   cái ông quỷ này, đừng có trêu người ta nữa được không . Em mắc cỡ thấy mồ đây nè!!

Mãi đến bây giờ ông vẫn còn nhớ rất rõ cái đôi mắt ấy, cái đôi mắt như muốn thu hồn người khác.
Không phải ông chỉ nhớ có mỗi một đôi mắt của nàng mà trí ông cũng đã không thể xóa được đôi môi mộng đỏ, đính trên cái khuôn mặt trái soan mà lúc nào cũng ửng hồng cùng với cái khuôn ngực nhô cao trong những chiếc áo bó sát vào người, nhất là những ngày hè nóng bức.

Ông yêu nàng vì những thứ ấy. Và cũng chính vì những thứ ấy mà mẹ ông đã phản đối kịch liệt ngay trong cái ngày đầu tiên ông dẫn nàng về ra mắt.
Mẹ ông đã kéo ông ra sau vườn nhà và nghiêm khắc cảnh cáo:
-  Cái con này, mẹ thấy không được đâu con ạ. Hãy nhìn đôi mắt đa tình của nó và đôi gò má luôn ửng hồng như thế, thì mẹ quyết đoán rằng nó sẽ không phải chỉ có mỗi một đời chồng đâu con ơi. Con nên suy nghĩ lại cho mẹ nhờ.

Hai tai ông lùng bùng, đầu óc ông mhư muốn nổ tung khi vừa mới nghe xong những lời khuyến cáo của bà mẹ.
Ông tính nói một vài điều gì đó để bào chữa cho người tình của mình, nhưng chưa kịp thì mẹ ông đã quay thẳng vào nhà.

Sự đối xử khá lạnh nhạt của mấy đứa em gái và chính mẹ ông trong cái ngày gặp mặt đầu tiên ấy, là dấu chỉ của sự bất thành cho mối tình giữa hai người sau này .
Không bao lâu sau, nghe theo lời khuyên của gia đình, người tình của ông đã kết hôn với một thương gia cùng phố, khá thành công. Ông ta hơn nàng gần mươi năm tuổi nhưng nàng không mấy quan tâm vì tính nàng dễ dàng chấp nhận với hoàn cảnh.

Nỗi buồn nào rồi cũng nguôi ngoai và ông cũng đi lấy vợ không lâu sau đó. Vợ ông là một người con gái ít nói và thuỳ mị nhất trong làng thời ấy. Người mà mẹ ông đã hết lời khen ngợi, luôn thúc đẩy ông để tiến tới hôn nhân.
Quả thật ông không có gì ân hận về cuộc hôn nhân này vì vợ ông là người đàn bà rất biết lo lắng cho gia đình, chồng con.
Có điều vợ ông lại là người đàn bà có tính ghen khủng khiếp.

Chỉ chừng vài năm sau ngày cưới , cái tính thuỳ mị ít nói đã biến mất hoàn toàn nơi con người của bà . Thay vào đó là những câu hỏi , những thắc mắc thật vô cớ và những lời cằn nhằn khó chịu mỗi lần ông về nhà hơi trễ .

Ông không tin nổi là vợ mình đã áp dụng cái phương cách kiểm soát thật quá khắc khe với ông. Những buổi sáng trước khi đi dạy, ông đã phải đưa "cái ấy" cho bà ký tên vào đó. Chiều về, phải chờ bà khám xét xong xuôi rồi mới được phép đi tắm.
Nhớ có lần vợ ông về thăm bố mẹ, vui quá nên về nhà khá trễ. Giữa hè nên khí trời thật oi bức, ông muốn ra giếng để xối mấy gáo nước cho vơi đi cái nóng nực và ngứa ngáy da thịt đang làm ông bực bội. Thế mà ông nào dám, vì ông muốn cho nhà yên cửa ấm vậy thôi!

Lúc ấy ông là thầy giáo môn Văn, dạy ở một trường trung học tư thục tại tỉnh nhà. Một hôm ông đang chấm bài mang từ lớp về. Bà vợ ông đã bắt gặp một mẫu giấy màu hồng với mấy câu thơ trữ tình chép lại bởi một đứa học trò nào đó, rơi từ cái chồng vở mà ông vừa mới lôi ra.
Nét chữ đẹp, viết trên tấm giấy màu hồng, bài thơ có tâm trạng của một người con gái đang yêu v.v.. đó là những yếu tố mà đã khiến vợ ông cho rằng đấy là hình thức tỏ tình của một cô học trò nào đó, với ông thầy trẻ của mình!?
Rồi bà kiểm tra từng tập vở, so sánh từng nét chữ để tìm cho ra chủ nhân của cái mẫu giấy kia. Bà bỗng quát lớn:
-  Đây rồi, cái con nào là Lý Thị Hồng Thắm, nó đã viết thư tình cho ông đây này. Con nít hỷ mũi chưa sạch mà dám đòi yêu với đương, đời nay quả là loạn rồi!
Lần ấy bà hăm he đòi làm lớn chuyện, bà muốn tới thẳng lớp tìm gặp đứa học trò mang tên Thắm, để hỏi cho ra lẽ.
Ông quá sợ hãi, không phải là ông có léng phéng gì với đứa học trò nầy mà ông phải sợ. Ông chỉ sợ cả trường biết chuyện ghen tương như vậy, chắc là ông không thể tiếp tục dạy học được nữa mất rồi.
Ông cố giải thích mà nào bà có chịu nghe. Ông quay sang năn nỉ nhưng cũng chưa làm dịu nổi cái lòng ghen tương của bà lúc bấy giờ.
Một hồi lâu, như chợt nhớ ra điều gì rồi quay lại bảo ông hãy đi theo bà .
Dẫn vào trong một cái miếu ven rừng bên làng. Cái ngôi miếu không lớn nhưng đầy vẻ linh thiêng với những huyền thoại truyền tai qua nhiều đời.
Hầu hết những người sống trong cái làng nầy và luôn cả những cư dân lân cận, rất lấy làm tin tưởng vào sự linh thiêng hộ trì và trừng phạt của "Cô".
Chính ông cũng đã tới đây nhiều lần để nguyện xin cho được công thành danh toại.
Bà vợ đã bắt ông phải thề trước bàn thờ của "Cô", rằng ông không được léng phéng với ai cả. Đồng thời cũng phải nguyện rằng suốt đời ông, không được xa bà nửa bước. Biết rằng không thể làm gì khác hơn nên đành phải thề đại cho xong chuyện. Sợ còn lưỡng lự, vợ mình sẽ tới trường làm lớn chuyện thì còn khốn cho ông hơn nữa!?
Nhiều lần ông muốn thử coi thường cái lời thề năm ấy. Nhưng mỗi lần có ý nghĩ như thế thì tối đến ông lại gặp phải những giấc mơ quá khủng khiếp xảy ra với ông, khiến ông thật sự sợ hãi. Và cũng chính cái lời thề nầy đã theo ám ảnh ông suốt đời, mãi cho đến tận bây giờ!!!
Nhưng ông nghĩ, mình vẫn còn có được một may mắn lớn. Đó là , vợ ông bây giờ đang mắc phải chứng bệnh mất trí ở tuổi già. Nhờ thế mà bà không còn lằn nhằn và tiếp tục tra vấn ông nữa.
Đó cũng là cái lý do mà bây giờ ông cảm thấy là vợ mình thật sự đáng yêu hơn bao giờ hết!


Mùa thu 2008
Người gốc Nẫu
___________________________________________

No comments:

Post a Comment