Sunday, April 2, 2017

TRẢI NGHIỆM CỦA MỘT BỆNH NHÂN UNG THƯ

DR. Đinh Tấn Khương





Nói đến ung thư, hầu hết mọi người đều gắn chặt căn bệnh nầy cùng với cái chết, sai lầm đó khiến cho người bệnh và thân nhân của họ vô cùng lo sợ và hoang mang dễ dẫn đến khủng hoảng tinh thần, hậu quả là căn bệnh trở nên trầm trọng hơn nhiều.
Xin nhớ cho, không phải người nào mắc chứng ung thư cũng đều phải chết. Chết vì chứng ung thư tùy thuộc vào thời gian phát hiện (sớm hay muộn) cũng như còn tùy thuộc vào loại tế bào ung thư (tăng trưởng nhanh hay chậm).
Với tiến bộ y khoa ngày nay, qua những phát triển vượt bậc trên các lãnh vực như xét nghiệm tế bào học, phương cách diều trị và dược liệu điều trị đã góp phần nâng cao tỷ lệ sống sót cho những bệnh nhân mắc chứng ung thư.

Bác sĩ thường nhắc nhở là cần phải phát hiện sớm chứng bệnh quái ác nầy để cơ hội sống sót khả quan hơn. Chính vì thế mà bệnh nhân thường hay nóng lòng, trong lúc còn khỏe mạnh mà lại đòi hỏi thực hiện nhiều xét nghiệm để mong biết được là mình có mắc chứng ung thư hay không?
Tôi từng giải thích, không một xét nghiệm nào có thể đoán trước được căn bệnh ung thư mà chỉ phát hiện được sớm một khi nó đã có dấu hiệu lộ diện mà thôi. 
Ví dụ, nếu trồng một cây ăn trái thì khả năng đơm trái là khá cao, biết như thế nhưng nếu khi nó chưa tới giai đoạn đơm hoa kết trái thì cho dù lúc ấy có đem cây ra mà cắt từng lát mỏng, quan sát dưới kính hiển vi thì cũng chẳng thấy dấu vết nào của quả trong cây nầy hết. Chỉ khi nào phát hiện cây đang trỗ hoa thì người ta mới đoán biết là sắp đậu quả mà thôi!

Cũng giống như thế, phát hiện ung thư sớm không bắt đầu từ bác sĩ hay những xét nghiệm mà chính là từ người bệnh. Nếu thấy có dấu hiệu nào khác thường thì nên đến gặp bác sĩ của mình sớm. Tôi từng nói với thân chủ rằng, nếu có mắc phải sai lầm thì nên chọn sai lầm an toàn hơn là sai lầm tai hại. Sai lầm an toàn có nghĩa, mình cứ nghĩ mình có bệnh nhưng sau khi gặp bác sĩ thì biết đó là không phải. Trái lại, lần lựa không tìm sự giúp đỡ của bác sĩ hay nhân viên y tế cho nên khi phát hiện bệnh thì đã quá trễ, đó chính là một sự sai lầm tai hại. 

Trong những năm tháng làm việc, có nhiều thân chủ mắc chứng ung thư, tôi đã từng nhắn nhủ với họ rằng, cần phải đối diện với căn bệnh trong tinh thần lạc quan bởi vì tinh thần lạc quan đóng một vai trò rất quan trọng giúp cơ thể vững mạnh và tăng cường hệ thống miễn nhiễm nhằm đối đầu với cuộc chiến chống lại những tế bào quái ác đang hoành hành trong cơ thể.
Tôi cũng thường nói với họ rằng, hãy vui cho đến ngày cuối cùng của đời mình. Nếu vì một lý do nào đó mà mình quá bi quan, lo buồn trước hoàn cảnh khắc nghiệt thì coi như cuộc sống của mình quá vô nghĩa, không còn chút niềm vui. Phải nhớ rằng, niềm vui và nỗi buồn thường xảy ra trong cùng một giai đoạn của cuộc sống, chỉ khác nhau là cái nào nhiều cái nào ít mà thôi. Hãy quên đi nỗi buồn phiền và hãy sống với niềm vui dù lớn hay nhỏ, có như thế thì cuộc sống mới còn chút ý nghĩa, có phẩm chất. Nếu buồn lo rồi cũng chết, thì tại sao chúng ta không sống với chút niềm vui nào đó cho đến cuối đời!?

Theo một số người, chết không phải là nỗi sợ hãi vì ai rồi cũng chết, không sợ chết nhưng lại lo sợ những ước muốn của mình không đạt được, chẳng hạn ước muốn nhìn thấy con mình có đôi có bạn, muốn có thời gian vui vầy với các cháu nội, ngoại. Nhưng đứng trước căn bệnh hiểm nghèo, nhiều người lại tỏ ra buồn phiền, cáu gắt, bực bội khiến cho người phối ngẫu và con cháu đã phải chịu đựng một thời gian khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tôi thường đặt câu hỏi với họ, ước muốn của mình trong tương lai không đạt tới mà lại còn để mất luôn cái không khí an bình hiện tại trong gia đình thì có phải đó là thái độ đúng đắn hay không!?

Tôi cũng thường nhắn nhủ thân chủ của mình là hãy biết “sống chung với lũ”. Với những căn bệnh kinh niên và những căn bệnh hiểm nghèo thì cách đối phó hay nhất đó là phải sống chung (với nó) một khi chúng ta  chưa hay là không thể loại bỏ. Chúng ta càng vùng vẫy, càng phản ứng trong phiền muộn thì chúng ta càng vướng mắc vào cái đau, cái khó chịu nhiều hơn. Hãy để yên đó, và hãy tìm kiếm sự giúp đỡ thích hợp cũng như giữ vững được niềm tin thì mọi thứ sẽ đến trong tình trạng tốt đẹp, tốt đẹp trong bất cứ tình huống nào.
Theo sau những lời nhắn đó, đa số đều cho rằng đấy là những lời “an ủi” cần thiết nhưng không phải là điều dễ thực hiện. 

Nhớ lại cái lần bị cơn đau thắt tim 30 năm về trước, lúc còn đang là một sinh viên thực tập tại bệnh viện St Vincent Hospital, Sydney. Sau khi gặp vị bác sĩ chuyên khoa tim và cũng là giáo sư hướng dẫn thực tập của nhóm sinh viên chúng tôi, ông quyết định cho làm angiogram vì nghi ngờ động mạch vành bị tắc nghẽn.
Trước khi bơm chất dịch tương phản (special dye, contrast) vào mạch máu để khảo sát, bác sĩ nhắc cho tôi biết là sẽ phải chịu đựng một cảm giác nóng rát (chớ hổng phải là cảm giác nóng bỏng đâu nhé) chạy khắp cơ thể một khi chất dịch được đưa vào. Cô y tá đứng bên cạnh còn nói thêm: “trải nghiệm cái cảm giác đó thì sau nầy bạn mới hiểu thấu được tâm trạng của người bệnh".
Vâng, cảm giác đó, lời nhắc nhở đó (của cô y tá) và những gì tôi đã từng nói với thân chủ trước đây lại vụt trở về với chính mình trong những tuần lễ vừa qua.
Giờ đây tôi đang trải nghiệm tâm trạng của một người bệnh ung thư, chứng ung thư vú rất hiếm gặp ở đàn ông.

Tâm trạng “có lỗi” đôi lúc dằn vặt chính mình do sự lơ là dù đã phát hiện và nghi ngờ một sự bất thường đang xảy ra ở bầu vú bên phải cách nay vài tháng. Khối u nhỏ thường được chạm tới vào lúc đang tắm ở cuối ngày và sáng sớm, nhưng có lẽ công việc thường nhật lấn át sự quan tâm về sức khỏe khiến quên bẵng nó đi, cho tới một hôm ‘tâm sự” với vợ về cái khối u thì bị hối thúc đi làm siêu âm sớm.
Nhớ lại buổi chiều hôm ấy, sau khi siêu âm phát hiện có khối u đáng ngờ, bác sĩ chuyên khoa quang tuyến đã đề nghị chụp ngay hình ép vú. Cứ thử tưởng tượng, cái vú phẳng lỳ mà bị kéo dài ra rồi ép, rồi kẹp (để chụp hình) thì đó quả là một cực hình nhưng chưa khủng khiếp như cái đau lúc làm sinh thiết (core biopsy). Một cây kim lớn hơn cả cái cây căm bánh xe xích lô mà còn có khía lõm (để móc lấy mẫu thịt của khối u) được đưa vào rồi lại rút ra, không chỉ một lần mà còn tới 3 bận như thế lận. Cho dù có thuốc tê nhưng cái đau vẫn còn cảm nhận thấu tận trời xanh, nhưng có lẽ lúc đó nỗi sợ ung thư áp đảo cho nên cái đau của cây kim sinh thiết dường như cũng chẳng thấm gì!

Mẫu sinh thiết được gởi đi ngay kèm theo yêu cầu “khẩn” có nghĩa là kết quả sẽ về sớm nhất. Thế mà cái tâm trạng chờ đợi, vừa lo âu vừa hy vọng dường như kéo dài hàng thế kỷ. Kết quả rồi cũng đến, đến để dập tắt niềm hy vọng thoát khỏi chứng bệnh quái ác và được thay thế bằng nỗi hoang mang, lo lắng mới. Và một niềm hy vọng khác lại đến, đó là hy vọng căn bệnh vẫn còn ở trong giai đoạn sớm, chưa lan xa! Thời gian chờ đợi để gặp bác sĩ chuyên khoa giải phẩu cũng là chuỗi ngày trải dài hy vọng xen lẫn lo âu kế tiếp. 

Nhưng tôi đã bắt đầu lấy lại bình tĩnh để có thể sắp xếp mọi thứ theo hai bối cảnh khác nhau, trong đó bối cảnh tệ nhất được đặt lên hàng đầu nhằm “giải quyết dự trù” những vấn đề quan trọng. Xác định tư tưởng để ổn định tinh thần, dự trù sắp xếp tài chánh và công việc là những ưu tiên trước mắt.
Xác định “đời là vô thường”, biết rằng có đến thì phải có đi, một khi duyên nghiệp đã tới thì không thể cưỡng lại. Xác định tư tưởng xong thì quay sang vấn đề tài chánh, tính toán sắp xếp làm sao để tránh bớt khó khăn về sau cho người ở lại. Ưu tiên kế tiếp đó là, cần phải chuẩn bị hồ sơ cho những thân chủ lâu đời của mình, nếu trong trường hợp bất thường thì họ có thể tìm đến một bác sĩ khác mà không gặp trở ngại. Nhờ vậy mà thời gian dành cho những suy nghĩ, lo âu (viễn vong) về căn bệnh được rút ngắn đồng thời giúp cho thân tâm giữ được an bình!

Cậu con trai mà thường ngày ít khi biểu tỏ tình cảm với cha mẹ, khác với cô con gái rất nhiều thế mà khi nghe tin dữ sắc mặt biến đổi, tinh thần sa sút nhanh chóng (hơn cả người cha đang bệnh nữa) cũng như đình chỉ mọi dự tính riêng tư. Đứa con gái có về thăm vào những ngày vừa mới phát hiện căn bệnh nhưng không dám báo tin vì sợ cháu phân tâm ảnh hưởng đến công việc. Tâm trạng “có lỗi” lại quay về dằn vặt tinh thần mình không ít!
Một người mắc phải căn bệnh trầm kha thường rất cần những hổ trợ, nhất là hổ trợ tinh thần từ gia đình, thân hữu và bạn bè. Với những lời cầu nguyện từ người thân ruột thịt, những hổ trợ của gia đình cũng như tấm lòng của một người bạn phương xa thường xuyên gởi lời cổ võ tinh thần, giới thiệu và đề nghị gởi món tảo Nhật Bản Fucoidan để dùng thử. Những hổ trợ tinh thần tích cực đó quả thật đã giúp cho tôi vững mạnh thêm hơn!

Trước ngày giải phẩu cắt bỏ toàn bộ phần vú bên phải, thủ thuật định vị hướng đi của tế bào ung thư từ khối u nguyên phát tới những hạch bạch huyết lân cận ở vùng nách (Sentinel lymph node mapping) bằng cách chích vào vùng cạnh khối ung thư một chất dịch phóng xạ và dùng máy scan để giúp phát hiện hạch bạch huyết nào mà tế bào ung thư có khả năng đi qua trước khi lan xa khắp cơ thể.
Nếu có nhiều hạch bạch huyết bị ảnh hưởng, hậu quả là dễ gây ra chứng phù nề cánh tay sau khi giải phẩu cắt bỏ chúng đi.

Cho một ví dụ để dễ hiểu hơn, trong một căn nhà vừa có nhà bếp, nhà tắm, toilet, nhà giặt v.v.. tất cả những khu vực nầy đều nối liền với hệ thống dẫn thoát nước thải. Trước khi đổ ra ống cống chính thì những ống nước thải này đều phải đi qua một “bộ lọc” riêng biệt cho từng khu vực (bộ lọc coi như tương đương với hạch bạch huyết/lymph node).
Nếu chất bẩn bắt nguồn từ nhà bếp thì cần phải khảo sát “bộ lọc” riêng biệt của hệ thống nước thải nhà bếp.Trong trường hợp mà thấy chất bẩn đã lan tới đây thì khả năng chất bẩn nầy đã lọt vào ống cống chính là rất cao. Nếu có nhiều khu vực trong nhà (nhà bếp, nhà tắm, nhà giặt…) bị nhiễm chất bẩn thì những “bộ lọc” riêng biệt của mỗi khu vực đó cần phải lấy ra hết để khảo sát xem thử là chất nhiễm bẩn đã lan tới đó hay chưa?
Trong lúc tiến hành thủ tục định vị (Sentinel lymph node mapping) đã dấy lên một nỗi lo sợ, lo sợ không biết có bao nhiêu hạch được phát hiện. Bởi vì số lượng càng nhiều thì khả nãng di căn và hậu quả của chứng phù nề cánh tay sau nầy sẽ cao hơn rất nhiều!
May mắn thay, kết quả cho biết chỉ có một hạch bạch huyết ở tầng 1 tại nách bên phải được định vị và nỗi lo âu cũng giảm bớt khá nhiều!

Hôm sau, lên bàn mổ để giải phẩu cắt bỏ toàn bộ phần vú bên phải và hạch bạch huyết đã định vị (sentinel lymph node) sau đó gởi đi xét nghiệm để đánh giá thời kỳ của căn bệnh và đặc tính của tế bào ung thư. Phải cần thời gian một tuần lễ mới có kết quả xét nghiệm nầy, đó là khoảng thời gian kéo dài giữa sự lo âu xen lẫn hy vọng khác nữa lại đến!
Kết quả rồi cũng có, tin vui khi biết được ung thư vẫn còn ở trong giai đoạn sớm, tế bào ung thư chưa lan tới vùng mô lân cận và chưa tới hạch bạch huyết gần đó. Khảo sát về đặc tính tế bào ung thư thì mức tăng trưởng nằm ở độ từ trung bình cho tới độ thấp, dương tính với thụ thể kích thích tố estrogen và progesterone (nhạy cảm với hai loại kích tố nầy là dấu hiệu tốt trong điều trị bằng liệu pháp hormone). 
Tuy nhiên kết quả lại cho thấy thụ thể yếu tố tăng trưởng con người 2 (HER2) nằm ở đường ranh giới gữa dương tính và âm tính (có nghĩa là ba phải!).
HER2 là chất đạm (protein) đính trên bề mặt của tế bào giữ vai trò điều khiển, giám sát sự tăng trưởng cũng như sửa chữa tế bào tuyến vú theo tốc độ bình thường. HER2 dương tính có nghĩa là có quá nhiều chất đạm (protein) nầy được khuyếch đại, tạo ra nhiều phiên bản và đồng loạt phát lệnh cho tế bào ung thư tăng trưởng nhanh chóng.
Cho tới thời điểm hiện tại, còn đang chờ đợi kết quả về tình trạng HER2 thông qua một phương cách xét nghiệm khác nữa nhằm xác định HER2 dương tính hay âm tính, làm rõ hơn kết quả “ba phải” của cách thử lần trước.
Nếu kết quả cho biết HER2 dương tính thì hóa trị kết hợp cùng với điều trị chủ đích (nhắm vào mục tiêu loại protein nầy) sẽ được đề nghị, đó là liệu pháp nhằm mục đích truy tìm và tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại (nếu có) đồng thời ngăn chận chứng ung thư tái phát trong tương lai. Thời gian điều trị có thể kéo dài trung bình khoảng 3-6 tháng cho hóa trị và một năm cho điều trị chủ đích (targeted therapy). Thời gian hóa trị là một cực hình bởi không những phải chịu đựng hậu quả do phản ứng phụ của thuốc mà lại còn chịu đựng cái khoảng thời gian “nhàm chán” chẳng làm gì được!
Nếu kết quả HER2 âm tính thì chỉ cần điều trị phòng ngừa bằng liệu pháp kích thích tố, liệu pháp điều trị nầy không gây 
nhiều phản ứng phụ và không làm cản trở công việc thường nhật, nhờ vậy bớt đi sự "nhàn rỗi" mà không một ai mong muốn!
Giống như những bệnh nhân mắc chứng nan y khác, tôi cũng đang trải qua những ngày của đợi mong xen lẫn giữa chút hy vọng và lo âu. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng chọn tình huống xấu nhất để trực diện và ứng phó thế nhưng vẫn luôn duy trì niềm vui trong cuộc sống thường nhật! 
Sydney, cuối tháng 3 2017
đinh tấn khương

_______________________________________________________________

10 comments:

  1. Vẫn biết là như thế nhưng thâm tâm vẫn mong Anh ĐTK có nhiều nghị lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
    Thân ái.

    ReplyDelete
  2. QN luôn cầu nguyện cho Anh K tai qua nạn khỏi. Hôm nghe tin dữ, QN Đây còn lo quá trời, nói chi tới Vợ con anh thì chắc chắn còn bị khủng hoảng nhiều hơn nữa!!
    Mong Anh và gia đình mạnh mẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này
    Quí mến/ QN

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn QN
      Hôm nay nhận được kết quả cuối cùng: HER2 Negative.
      Như vậy thoát được hóa trị, chỉ còn uống Tamoxifen (liệu pháp kích thích tố) để phòng ngừa tái phát mà thôi.
      Trở lại công việc thường nhật là thấy vui thêm nhiều QN à!
      Thân mến

      Delete
  3. Công nhận thấy Anh Khuong Dinh thật bình tỉnh lạc quan. Cám ơn Anh đã chia sẻ để em tập cái tính lạc quan ,xoá nớt nỗi sợ khi nghe người thân hay người mình quen biết nói vè căn bệnh này
    Chúc Anh mau bình phục.
    Mến

    ReplyDelete
  4. Cám ơn Santania Mimi đã chúc lành.

    Thân

    ReplyDelete
  5. Thân chào anh Khương,

    Ông xã Gà cũng đã từng bị căn bệnh ung thư này năm 2007. Tháng 7 năm đó anh của Gà vừa mất do bị ung thư Gan và đến tháng 10 thì ông xã phát hiện bị ung thư vú. Quả thật lúc đó tinh thần mình suy sụp rất nhiều, cứ nghĩ như mình đang bị bản án tử hình vậy.
    Nhưng sau khi bình tâm, tìm hiểu và phấn đấu thì cuối cùng cũng đã qua khỏi. Vì tế bào ung thư của ảnh chưa qua đến lymph nodes nên sau khi cắt bỏ hết phần vú bên phải, ảnh đã không cần làm hoá trị và cũng chỉ uống Tamoxifen trong 2 năm nhưng sau đó đã phải ngừng thuốc vì bị side effect quá nhiều. Hiện giờ anh vẫn khỏe, hàng năm làm ultrasound theo dõi và kết quả thì chưa thấy tế bào ứng thư tái phát. Bệnh ung thư vú rất hiếm khi xảy ra cho đàn ông, sác xuất chắc cũng cỡ trúng số độc đắc vậy cho nên ông xã Gà hay nói đùa là "chịu thay cho vợ".

    Từ ngày ông xã khỏi bệnh mình cảm thấy cuộc đời này thật ngắn ngủi và sẵn sàng buông bỏ tất cả để sống vui, sống hạnh phúc, đi những nơi mà trước mình ao ước đến và làm những điều mà trước mình hoãn lại.
    Chúc anh mau lành bệnh và luôn phấn khởi.

    Gà Ta

    ReplyDelete
  6. Chào Gà Ta

    Chúc mừng Gà Ta & Ông Xã, đã vượt thoát cơn hiểm nghèo.
    Cám ơn Gà Ta đã giúp cho tôi có thêm niềm tin để củng cố tinh thần và nghị lực.
    Thường thì, cho tới khi mình sắp bước qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết thì mới nhận rõ hơn cuộc đời thật ngắn ngủi và lúc đó thì chẳng còn gì quan trọng hơn là những niềm vui gia đình và bạn hữu mang lại.
    Cám ơn Gà Ta rất nhiều

    Thân
    Khương

    ReplyDelete
  7. Anh Khương thân mến,

    Thật là diệu kỳ, chẳng hiểu sao qua bài viết Đoản khúc - Nỗi buồn tháng ba của Quinhon11 tôi lại comment thế này :

    “Qua bài này của Quinhon11 tôi lại nhớ.
    Năm 2012 tôi đến với quinhon11.com qua giới thiệu của Thùy Hạnh (cô hàng xóm ngày xưa gần nhà).
    Hồi đó Quinhon11 “than thở” với tôi là trang nhà này chỉ có anh ĐTK là nam thôi - “Gươm lạc giữa rừng hoa” - ảnh “sợ” lắm nên rủ tôi vô cho có bạn, cho đỡ “lạnh cẳng”. Vậy là tôi “nhào vô cứu bồ”.
    Hình như bài đầu tiên mà tôi góp mặt là... “Gươm Lạc Giữa Rừng Hoa” (June 18 – 2012).
    Từ đó đến nay, với tôi thời gian như thế cũng khá dài. Có năm “gặp nạn” tưởng mình bỏ cuộc chơi rồi, may sao trời thương cho tôi vẫn còn thấy mặt người thân và bạn bè. Và, tôi lại tiếp tục cuộc chơi.
    Cảm ơn các bạn và sân chơi này đã cho tôi những niềm vui thật thân quí.”

    Nay lại hay tin anh vượt qua được ải sinh ly, chúng tôi rất mừng và chúc anh sớm bình phục.

    Thân ái,
    PLH

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Anh Huy rất nhiều

      Cũng nhờ ơn Trời mới vượt qua được cái ải nầy anh Huy à.
      Có lẽ biết hai anh em mình đều sợ "gươm lạc giữa vườn hoa" cho nên ông Trời thương cảm không nỡ bắt chúng ta rời xa nhau đây mà!

      Thân kính
      Khuong

      Delete