Wednesday, November 27, 2019

Cám ơn nước Mỹ, cám ơn cuộc đời

Lê Xuân Mỹ

* Trích chuyên mục Viết Về Nước Mỹ / vietbao.com

(...      …)

Ở xứ Mỹ này có rất nhiều ngày để nhớ : Lễ Mẹ, Lễ Cha, Lễ Độc Lập, Lễ Tình Nhân... Ngày lễ nào cũng  có một ý nghĩa rất riêng, nhưng có lẽ Thanksgiving là một ngày ưa thích nhất của tôi. Bởi vì không có gì ý nghĩa hơn là lúc nhắc ta nhớ đến những ơn nặng nghĩa sâu. Nhớ để cám ơn đời, cám ơn người.
Trên tất cả xin được nói lời cám ơn nước Mỹ, cám ơn miền đất không phải nơi tôi sinh ra nhưng chắc chắn sẽ ôm ấp tôi những ngày còn lại. Cám ơn một đất nước có thể không phải là thiên đường nhưng chắc chắn không là địa ngục. 21 năm sống trên đất nước này, có nhiều điều rất thích nhưng cũng có những việc không bằng lòng. Vẫn còn đó những bất công, vẫn còn đó khoảng chênh lệch quá mức giữa giàu nghèo. Không chiến tranh nhưng vẫn có những bất an của súng đạn. An nhàn nhưng vẫn còn những nỗi lo của những ngày hưu trí. Những băn khoăn về bảo hiểm... Những điều không vừa lòng vẫn còn nhiều lắm; nhưng để ghét, để rời bỏ đất nước này như lần giã biệt quê nhà 21 năm về trước, chắc chắn sẽ không bao giờ vì với tôi, với gia đình tôi, nước Mỹ là ân nhân.

(…      …)

Nhớ lại những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi về sống tại Tulsa. Một thành phố nhỏ bé thật hiền hoà, tuy không có nhiều người Việt Nam như Cali nhưng tình cảm thật đậm đà. Luôn nhớ đến những chăm sóc thật thân tình của những người Việt và cả của những người bản xứ đối với một gia đình đang còn lạ lẫm trên thành phố này. Nhà thờ Việt Nam đem cho những thùng áo quần, nhà chùa đem cho những đồ dùng, nồi cơm điện, nhà thờ Tin Lành đem cho đồ chơi cho hai cháu nhỏ. Những người hàng xóm đem từng món ăn. Những ngày đầu chưa có xe ở tạm nhà em gái, có một mục sư cùng xóm mỗi ngày chở đi làm giấy tờ, đi xin trường cho các cháu, tìm việc làm cho hai vợ chồng.

Giáng Sinh đoàn tụ đầu tiên của đại gia đình chúng tôi thật ấm áp mặc dầu bên ngoài trời mưa tuyết. Tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh của bà người Mỹ già nhà đối diện. Nửa đêm đội mưa gõ cửa nhà chúng tôi để chỉ đưa một dĩa bánh cookies nóng hổi kèm theo lời chúc "Merry Christmas and Happy New Year". Không bao giờ chúng tôi quên được tình cảm của những người láng giềng dành cho chúng tôi trong thời gian đầu định cư. Ngay cả khi về ở với mẹ tôi trong khu low income Meadow, thời gian đầu vợ chồng con cái ít khi ra khỏi nhà nhất là vào ban đêm. Cái khu toàn người nghèo, lợi tức thấp đủ mọi sắc dân. Một ít gia đình người châu Á còn toàn là người Mễ và Mỹ đen. Nhìn bộ dạng mấy ông bà to lớn, hay tụ tập thành từng nhóm quanh khu xóm, cười nói ồn ào, nên cũng hơi sợ.

Nhưng ở lâu lại thấy mến cái hiền lành và tốt bụng. Có lần trên đường đi làm về, tôi bị trượt xe dạt vào lề vì đường đông đá sau mưa tuyết, phải nhờ ông Mỹ hàng xóm ra kéo xe về giùm. Ở một thời gian rồi cũng quen dần cái nhộn nhịp và ồn ào của xóm nghèo nhưng cũng rất nghĩa tình này. Có lần mưa đá làm lủng một lỗ thật lớn trên mái nhà phòng ngủ. Nước vào đầy nhà từ mái. Qua hàng xóm cầu cứu báo hại nửa đêm hai tay Mỹ đen cởi trần trùng trục leo lên mái hì hà hì hục lấy tăng che tạm cho khỏi dột. Sau này dọn nhà đi chỗ khác nhưng cứ thấy nhớ cái khu Meadow, lâu lâu lại chạy về thăm lại mấy ông bà hàng xóm.

Sau này vì cuộc sống vì nỗi khao khát được làm việc trong một công ty kỹ thuật lớn, có công việc phù hợp tôi di chuyển qua San Jose. Mặc dầu chưa bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn của mình sau gần 20 năm sống trên miền đất phía Bắc Cali này, nhưng tôi luôn nhớ về thành phố hiền hoà nhỏ bé đó. Tulsa như Huế quê ngoại của tôi, trầm lắng, dễ thương và nghĩa tình.

Không chỉ Tulsa, San jose cũng đối xử với tôi thật ấm áp. Người Việt Nam đông, bạn bè nhiều, khí hậu tuyệt vời, Silicon valley cũng giống như thành phố Sài Gòn nhộn nhịp của tôi những năm trước 1975. Nơi bắt đầu lại của tôi và cũng là nơi đã cứu sống mẹ tôi không biết bao nhiêu lần.

Về sống với gia đình tôi khi bệnh của mẹ trở nặng. Mẹ vừa bị alzheimer, vừa bị tiểu đường, vừa cao huyết áp, vừa cao mỡ. Nói chung ở cái tuổi 76 khi mẹ về đây, mẹ có đủ thứ bệnh. Nhờ khí hậu ấm áp, bác sĩ Việt Nam nhiều, vấn đề theo dõi bệnh dể dàng, sức khoẻ mẹ cũng đỡ hơn. Nhưng ở cái tuổi già thì những rủi ro, biến chứng cũng càng nhiều. Mẹ ra vào nhà thương không biết bao nhiêu lần. Có lần đang ngồi coi tivi, cảm thấy hơi mệt nằm xuống sofa, mặt mày tái mét. Đo đường xuống dưới 40. Chưa kịp cho ăn ngọt thì mắt dại ra, mẹ gần như coma. Gọi cấp cứu. May mà chỉ 5 phút xe emergency tới ngay trước cửa nếu không là đi luôn. Có lần áp huyết tăng cao (chắc là nửa đêm mở tủ bếp ăn hết chén mắm khoái khẩu), lại xỉu. Lại 911 cấp cứu. May mà tại xứ này chứ ở Việt Nam như mẹ vợ tôi thì ra đi từ lâu. Nội cái đợi xe cấp cứu vô được cái xóm nhỏ, qua hai ba cái chợ chồm hổm đầu đường chắc là không kịp với cái ông thần chết đang đứng chờ chực cạnh giường.

Phải công nhận với những người ở cái class lưng chừng như tôi thì mới lo chứ với những người già không tài sản như mẹ tôi, thì nước Mỹ đúng là thiên đường. Hàng tháng có tiền già, vô bệnh viện, tiền thuốc men không tốn một xu. Mà thuốc đâu phải r. 13 loại thuốc, vừa uống vừa chích. Nhìn cái giá thuốc chính phủ phải trả thay cho bệnh nhân là đủ chóng mặt. Chưa kể khi vào bệnh viện, nhìn cái bill bảo hiểm trả cho bệnh viện là xỉu. Nội cái chi phí chữa chạy cái chân gãy của mẹ chắc cũng mất toi số tiền dành dụm của tôi trong suốt 20 năm trên đất Mỹ. Cũng nhờ vậy, dù nhớ nhớ quên quên mẹ vẫn còn sống với chúng tôi cho đến hôm nay.

Cám ơn đất nước này và cám ơn cuộc đời đã cho tôi sống những thời gian với đầy đủ cung bậc của cảm xúc. Những vô tư của tuổi nhỏ, những lãng mạn của một thời mới lớn, những hạnh phúc của tháng ngày đoàn tụ và tự do. Dù không mong muốn nhưng cũng phải cám ơn cuộc đời đã cho tôi nếm được nỗi đớn đau của những chia xa trong những tháng ngày đen tối, nỗi cô đơn của những ngày lưu lạc xa quê. Để rồi là những hạnh phúc của những lần gặp lại mẹ, anh em và bạn bè.

Xin được cám ơn ba, người sĩ quan chế độ Cộng Hoà chết trong trại cải tạo. Không có ba, không có những hy sinh của cha ông, đồng đội, bạn bè, chúng con đã không có những tháng năm thanh bình. Và khi cuộc chiến kết thúc, ba vẫn kịp đánh đổi mạng sống cùng với những tháng ngày bi thảm trong trại cải tạo để cho mẹ và các con, các cháu của ba cơ hội qua miền đất tự do này. Bao nhiêu năm ba vẫn luôn theo dõi và phù hộ  gia đình chúng tôi.

Cám ơn mẹ, người đàn bà vĩ đại đã dành hết tuổi thanh xuân và đời mình cho chồng cho con. Người đàn bà goá chồng ở tuổi 49, một mình với 9 đứa con còn nhỏ dại, lăn lóc để tồn tại qua những nhiểu nhương và hận thù. Người vợ của một sĩ quan thua trận, vượt qua từng ngày, trải qua từng bữa, cuối cùng cũng đem được toàn bộ gia đình đến bến bờ tự do.

Xin được cám ơn em, đã cùng tôi vượt qua bao gập ghềnh sóng gió. Em đã luôn cạnh tôi trong những giờ phút bi thảm cũng như những khoảnh khắc yêu thương. Mới đó mà chúng ta đã ở bên nhau trọn vẹn 43 năm. Bắt đầu bằng một đám cưới với chiếc nhẫn đính hôn một phân vàng và thiệp mừng đám cưới cùng tấm giấy "mời" đi kinh tế mới vào ngày hôm sau, em đã cùng tôi nếm đủ mùi vị của gian khổ, cay đắng và tủi nhục. Vẫn luôn nhớ mãi cái chặng đường đã qua đó. Cám ơn tình yêu của em.

Còn phải cám ơn nhiều nhiều nữa. Cám ơn tình nghĩa bạn bè. Cám ơn tấm lòng những đứa cháu. Cám ơn những đứa em. Cám ơn những đứa con lương thiện của tôi. Trong những ngày cuối thu của miền Thung Lũng Silicon, đứa con trai đầu của một người tù chết trong trại cải tạo năm nào đã không còn trẻ nửa.  Đang bước vào tuổi "Thất thập cổ lai hy", rổi sẽ có ngày sẽ nhớ nhớ quên quên như mẹ. Nên trong cái ngày Thanksgiving này không thể nào không viết, không thể nào không nói những lời cảm ơn.

Sẽ chưa phải là lần cuối cùng, xin được nói tiếng cám ơn Việt Báo và Viết Về Nước Mỹ. Việt Báo đã làm một nhịp cầu cho chúng tôi được trải lòng qua những mẩu chuyện đời. Những câu chuyện thật đời thường nhưng nếu không được ghi, kể lại có lẽ rồi sẽ đi vào quên lãng. Có lẽ sẽ mất hút đâu đó trong cái trí nhớ đang già nua của tôi. Nhờ Việt Báo, qua những bài viết về cuộc đời, tôi đã tìm gặp lại những người bạn, những người thân đang lưu lạc khắp nơi. Như những mảnh vỡ của quê hương được góp nhặt để ghép lại thành một quê nhà thứ hai trên xứ người. Nhờ vậy chúng tôi sẽ không bao giờ mất đi quê hương Việt Nam yêu dấu.

Lê Xuân Mỹ
(San Jose, Thanksgiving 2019)

_________________________

3 comments:

  1. Thành thật càm ơn chị Gaumisa và ông xã Lê Xuân Mỹ về những bài viết ý nghĩa, xúc động.
    Thân chúc anh chị cùng gia đình một mùa lễ tạ ơn đầy vui vẻ ,ấm cúng
    Quinhon11

    ReplyDelete
    Replies
    1. Buổi sáng nào thức dậy mình củng vào Qui nhơn 11 để đọc tất cả bài viết mới cuả các bạn và khi nhà có tiệc hay nấu ăn không biết nấu gì củng chạy vô đây xem học hỏi nhiều bài viết hay đủ thứ gần gủi cuộc sống hàng ngày mình xem như nhà cuả mình và củng muốn đóng góp 1 phần cho nhà mình thêm ấm cúng vui vẻ. Cám ơn Qui nhơn đả cho mình và ông xả cùng đóng góp bài vỡ trong trang nhà và hảnh diện mình có bài được đăng trong đây.Nhân dịp Christmas và New Year sắp đến xin kính Chúc Ban biên tập Tác giả cùng tất cả Bạn đọc cuả trang nhà Qui nhơn 11 một muà Lể cuối năm tràn đầy Sức khoẻ Hạnh Phúc An bình Xum hợp bên gia đình

      Delete
    2. Cám ơn chị Gaumisa. NHờ có những thân hữu như chị mà QN11 mới có động lực tiếp tục duy trì. Mong có dịp gặp lại anh chị lần nữa nhen. Chúc vui một đời.
      QN11

      Delete