Saturday, December 26, 2020

Chỉ có thể là Boléro !

 Trần Hữu Ngư


“Boléro và chỉ có Boléro mới làm người nghe thỏa mãn được những câu chuyện tình”.

Những bài tình ca giai điệu Boléro mang đậm dấu ấn quê hương một thời làm thổn thức biết bao trái tim trước năm 1975, nay được hát lại. Những người yêu mến Boléro bây giờ thấy những bài tình ca ấy như những con chim trở về tổ ấm véo von bù đắp lại một thời đã xa.

* SỨC SỐNG MÃNH LIỆT

Nếu nhạc sĩ Hồng Vân viết Đồi Thông Hai Mộ bằng một giai điệu khác mà không phải Boléro thì chắc rằng bản nhạc này đã chết từ lâu rồi. Cũng như bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan có 3 nhạc sĩ phổ nhạc nhưng chỉ Những Đồi Hoa Sim mang giai điệu Boléro của nhạc sĩ Dzũng Chinh là phổ biến nhất. Cũng giống Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh vì Boléro mà tên tuổi ông gắn với nhạc phẩm này mặc dù ông có hàng trăm ca khúc khác và có lẽ bài hát sống mãi được là nhờ Boléro chăng ?

Dòng nhạc phát triển rực rỡ ở miền Nam này đã chuyên chở thân phận tình yêu, những tình tự quê hương, lột tả mọi góc cạnh cuộc đời, làm thỏa mãn người nghe của mọi tầng lớp. Nó chỉ như một thứ tình cảm thuộc loại vườn chuối, buồng cau... của con người lao động khi mà vinh hoa phú quý còn là thứ rất xa vời !

Vì sao so với Tango, Slow, Valse..., Boléro chiếm lĩnh thị trường ca nhạc thời bấy giờ ? Để lý giải điều này, người viết - với tư cách là một người đam mê Boléro từ thuở thiếu thời - xin trả lời mộc mạc rằng : Boléro là những tình khúc quê hương mà nhạc sĩ đã dùng âm nhạc để vẽ nên một bức tranh nông thôn, những tình yêu đôi lứa đẹp như trăng rằm, sự nghiệt ngã của chiến tranh, những số phận con người trong từng hoàn cảnh, những dạt dào  tình làng nghĩa xóm, không tiếc sức người còng lưng trên đồng lúa, nương dâu mà cha ông chúng ta đã đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi mà cả máu.

Những đứa trẻ sinh ra sau năm 1975 nhìn quê hương qua lăng kính màu hồng, khác với thế hệ chúng tôi, nhìn quê hương qua những trái hỏa châu chiếu sáng; những sớm mai ngóng tin chồng, tin cha từ chiến trường; những đêm giật mình vì tiếng đại bác... Quê hương tôi chỉ là lùm tre, con sông nhỏ, một miếng đất bạc màu trên mảnh vườn thưa thớt cọng rau, ngọn cỏ... vậy mà tôi yêu đến vô hạn.

* BÌNH DÂN NHƯNG ĐÂU DỄ VIẾT

Không ít ca sĩ tìm Boléro để thử sức nhưng “bỏ của chạy lấy người” là điều dễ hiểu vì Boléro tuy bình dân nhưng để hát, để viết cho... tới thì không dễ chút nào ! Ngoài ra, có không ít người “thức một đêm, sáng ngày thành nhạc sĩ” muốn làm mới Boléro để chứng tỏ ta đây, nhưng đó chỉ là sự cưỡng bức thô bạo dưới danh nghĩa sáng tạo, đã làm chói tai người nghe bằng những nhạc cụ điện tử, đã “lai” Boléro. Đây là một việc làm đáng trách của một số ca sĩ, nhạc sĩ trẻ nôn nóng thành danh và kiếm tiền từ dòng nhạc này.

Ngày nay, nhạc sĩ trẻ không thể viết được Boléro. Nói vậy không có gì quá đáng bởi nhạc sĩ đi trước có hoàn cảnh lịch sử hoàn toàn khác bây giờ. Ngày ấy, Boléro là những bản tình ca đầy ắp tiếng nói quê hương, tình yêu đôi lứa; còn bây giờ, đi theo ánh sáng văn minh khoa học - kỹ thuật, người ta bỏ thôn quê tiến vào thành thị để được ngắm nhà hàng, khách sạn, những  khu nghỉ mát sang trọng, những thức ăn cao sang... Và cũng từ đây, con người xa dần những hình ảnh quê hương (có chăng chỉ còn trong tâm tưởng). Đánh mất hình ảnh thôn quê thì không thể nào viết được Boléro. Người viết nhạc nếu không có tâm hồn lãng mạn để nhìn quê hương thì khó viết được một bài hát Boléro đúng nghĩa như các bậc đàn anh đã làm. Viết giai điệu Boléro thì nhạc sĩ nào cũng làm được, nhưng để hoàn thành một bài hát Boléro còn có ca từ và ý tưởng. Giữa thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa mà bắt chước viết nhạc Boléro thì chỉ sinh ra những đứa con dị dạng và chết yểu, không chết về giai điệu mà chết vì ca từ và ý tưởng.

* TRỞ LẠI VÀ “LỢI HẠI” HƠN XƯA !

Cách đây gần 20 năm, người ta đem nhạc “Vàng”, nhạc “Sến” (ám chỉ nhạc Boléro) ra mổ xẻ. Kẻ khen thì ít mà người chê thì nhiều. Dù đây là chuyện cũ nhưng luận bàn về nhạc Boléro mà không nhắc lại những câu nói này, e là điều thiếu sót. Và chúng ta hãy nghe các nhạc sĩ miền Bắc nói về dòng nhạc này của nhạc sĩ miền Nam.

“... Gần đây, tôi thường nghĩ về câu hỏi mà một giáo sư âm nhạc Mỹ đã nêu ra với nhạc sĩ Nguyễn Cường - bạn tôi: Nhạc Vàng là thế nào? Tôi thích và thấy nó rất Việt Nam, và nhạc Sến nữa. Tôi thử về tận gốc của nhạc Vàng và Sến thì ra gốc nó ở tận cùng nơi thôn dã, lũy tre làng nguyên bản…” – (nhạc sĩ Phó Đức Phương).

“... Cái mà người ta cho là “Sến” có nhiều bài hát chân thành, xúc cảm, rung động lòng người vì sự giản dị, mộc mạc, đồng quê...” -  (nhạc sĩ Trần Tiến). 

“... Đây là dòng nhạc đáp ứng được nhu cầu cho một đối tượng người nghe rất cụ thể, đó là lớp cần lao, bình dân và trong dòng nhạc này vẫn có những bài truyền cảm, xúc động...” -  (nhạc sĩ Dương Thụ).  

Vậy thì, những lời nói ngắn gọn ấy cũng đủ làm “luật sư” cho Boléro một thời mà dân chơi thời thượng đã miệt thị dòng nhạc này không thương tiếc.

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” - Rồi chắc cũng sẽ trở về với Boléro ? Hàng trăm ca khúc Boléro trước năm 1975 mà những kẻ “trưởng giả học làm sang” sau năm 1975 cho là Vàng, là Sến, là não tình, là bi lụy, bây giờ được đào bới, xới tung để hát lại thì rõ ràng thị trường ca nhạc vốn tung hô những bản nhạc “hàn lâm” đã đi vào ngõ kẹt ! Bài hát nào dẫu có hay đến mấy nhưng nghe hát hoài cũng đâm ra chán, chỉ có nhạc Boléro là “nghe, nghe nữa, nghe mãi”.

Hơn nửa thế kỷ qua, dòng nhạc Boléro đã lan truyền từ thành thị cho đến thôn quê như theo quy luật cung / cầu mặc dù phương tiện nghe nhìn có thời cực kỳ quý hiếm. Nghe ca sĩ hát trên đài phát thanh vài lần là thuộc, rồi nó đi vào lòng mình hồi nào chẳng hay. Ngày nay, mỗi lần nghe lại, hát lại, vẫn cảm thấy thích thú trong từng âm điệu và ca từ.

Hy vọng rằng “nghe nhạc bằng tai” sẽ lấn át “nghe nhạc bằng mắt” khi dòng nhạc Boléro được hát lại trong những cuộc thi, những nốt nhạc xưa để người già tìm về kỷ niệm, để giới trẻ giật mình vì có một thời họ ngộ nhận về dòng nhạc này. Và cũng nhận xét rằng chưa thấy có ca sĩ nào “qua mặt” được các ca sĩ đàn chị, đàn anh trước năm 1975. Chúng ta thấy gì qua hiện tượng này ? Một nhu cầu thưởng thức âm nhạc quá lớn nhưng tiếc là đã từ lâu, nhạc sĩ trẻ muốn loại Boléro ra khỏi cuộc chơi để đi tìm nhạc lai ngoại, thứ nhạc mà các nhạc sĩ ông cha chúng ta đã đánh đổ để tìm một hướng đi đích thực cho dòng nhạc Việt từ năm 1938 !

"Bài hát nào dù hay đến mấy nhưng nghe hoài cũng chán, chỉ có Boléro là nghe nữa, nghe mãi...".

 Trần Hữu Ngư


No comments:

Post a Comment