Sunday, December 27, 2020

Giã Từ 2020

Tuyết Vân



Và cuối cùng những ngày cuối của tháng Mười Hai cũng đã tới, kết thúc cho năm 2020, một năm cực kỳ khủng hoảng, xót xa và nước mắt. 

Vào những ngày đầu tháng Ba, trong khi nhìn thấy cơn đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành trên các nước khác, sự tàn phá của nó bắt đầu lan rộng tới đây. Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố quốc gia đang ở vào tình trạng khẩn cấp (National Emergency). Những ngày tiếp theo đó Tổng Thống, Thống Đốc tiểu bang hàng ngày báo cáo cho dân chúng về tình trạng hiện tại, kế hoạch và những chỉ thị ban hành để giúp dịch bệnh khỏi lan ra cùng một lúc quá nhiều. Cuối cùng, vào tuần lễ thứ ba của tháng Ba, lệnh “shelter in place” hay “safer at home” (yên vị tại gia) được thi hành. Chỉ trong một tuần, số người bị nhiễm bệnh nhảy vọt cao. New York, New Jersy lockdown. Cả thế giới đang chống chọi một cuộc chiến không cầm tới vũ khí. Và nước Mỹ trở nên gần như bất động. 

Tháng Ba, hoc khu trường học đóng cửa đến mùa hè. Con trai tôi trở về nhà học online. Disneyland, Malls, rạp xi nê đóng cửa. Las Vegas tắt ánh điện màu. Broadway khép tấm màn nhung. Lịch trình ca nhạc huỷ bỏ. Tháng Ba, mùa của March Madness, những trận bóng rổ của các trường đại học ngừng hẳn. Baseball, môn thể thao ái mộ, chuẩn bị vào vào mùa mới của năm 2020 cũng đình hoãn. Những công ty du lịch, du thuyền hoàn tiền trả cho khách. Cuộc tranh biện của đảng Dân Chủ giữa hai ông Joe Biden và ông Bernie Sanders diễn ra không khán giả. Công viên, bãi biển giới hạn người tới. Olympic đổi qua năm 2021. Thị trường chứng khoáng rớt ngàn mấy, hai ngàn điểm trong một ngày. Tôi nhắm mắt không dám nhìn vào trương mục của mình. Nhân viên nhiều hãng chuyển qua làm việc ở nhà, phần khác phải bị layoff. Theo lệnh của Thống Đốc tiểu bang, những công việc quan trọng (essential) như thực phẩm, thuốc tẩy, canh xăng, hay những công việc sửa chữa tiếp tục hoạt động, còn lại tất cả sẽ phải tạm hoãn. 

Tháng Ba, hàng loạt cửa tiệm khác nhau, nail salon, gym, tiệm may, tiệm giặt ủi, tất cả phải đóng của. Hàng loạt nhân viên đang có công ăn việc làm phải thất nghiệp. Văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư, bệnh xá (clinics) đóng của. Bệnh viện chỉ điều trị những ca mổ cần thiết, những ca mổ khác nếu có thể dời (elective surgery) sẽ phải dời ngày. Trong tuần lễ đầu tiên, có hơn 3 triệu người điền đơn thất nghiệp. Từng hàng xe dài nối đuôi nhau trong các sân vận động lớn chờ nhận thực phẩm cứu trợ. Ở những nơi khác, từng hàng xe dài của các hãng cho thuê xe nằm yên không khách tới. Và phi trường bận rộn nhất nhì của thế giới, giờ đây cũng im lìm không có tiếng phi cơ cất bay. Tất cả gần như tê bại. 

Dịch bệnh phát triển mạnh ở các viện dưỡng lão nơi nhiều người già đã chết cô đơn không người thân vào gặp mặt. Tang lễ vội vàng trong sợ hãi. Nhiều bác sĩ đã phải đối diện với sự lựa chọn bệnh nhân nào nên được chữa trị trước. Nhiều sản phụ vì nhiễm dịch bệnh đã phải mổ sớm sinh con để được đưa đi cách ly chữa trị . Nhiều bác sĩ, y tá đã không dám về nhà sau một ca làm việc bởi sợ phải lây cho gia đình. Họ phải tắm rửa, thay đổi quần áo trước khi bước vào nhà. Nhiều người đã về hưu nhưng họ tình nguyện trở lại làm việc, chung tay nhau đương đầu với con đại dịch. Họ là những thiên thần áo xanh. 

Học sinh Trung Học lớp Mười Hai, một năm học quan trọng trong đời học sinh và là một năm đầy sinh động, đã chẳng có thể ký tên vào cuốn Year Book, dự trận thể thao cuối cùng, đi promp, và nhất là làm lễ ra trường với tất cả những nghi thức trang trọng. Tuổi trẻ của họ đã mất đi phần nào. Họ chia tay trường lớp, thầy cô, và bạn bè vội vàng vào vào một ngày của nửa tháng Ba. Chưa kịp bày tỏ tình cảm cho riêng ai hay một cái bắt tay hay một lời hứa hẹn thì đại dịch đã cuốn hút đi thời gian trong trắng ấy. 

Giã từ 2020. Những tiểu thương bắt buộc phải đóng cửa, sa thải nhân viên. Khi lock down ở nửa tháng Ba, thắng Tư đầu tiên không biết làm sao trả tiền thuê cho tháng mới. Một năm chưa bước vào rạp xi nê. Gym, nhà hàng hoạt động ngoài trời dưới những tấm dù EZ Up. Tại các siêu thị, người ta xếp hàng dài để mua giấy vệ sinh, dùng mask và giữ khoảng cách 6 feet cách nhau. Con cái ở xa nghe cha mẹ đau không thể về thăm. Tang lễ giới hạn người tới dự. 

Giã từ 2020. Mỗi một ngày lễ là một cơn nhức đầu với số lượng người nhiễm bệnh lại tăng cao sau đó. Mỗi tháng con số trên bảng thông kê cao hơn tháng trước với bao nhiêu người mới nhiễm bệnh, bao nhiêu người chết, và số phần trăm người nằm bệnh ở ICU. Mỗi con số là một cuộc đời của ai đó và những người xung quanh họ. Mùa lễ Tạ Ơn, trong nhiều gia đình đã phải vắng đi người thân và chiếc ghế trống ngồi thương nhớ người đã mất. Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. 

Giã từ 2020. Năm bầu cử Tổng Thống với tất cả sự háo hức của hai phe và số phiếu đi bầu vào kỷ lục. Bên ta. Bên mình. Và những comments từ độc giả qua lại nóng bỏng đôi lúc đến thô lỗ trên báo chí truyền thống. Nhiều gia đình cha mẹ và con cái hay anh em đã phải đi tới chỗ xích mích chỉ vì không đồng ý rằng chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với nhau. Một cuộc bầu cử mà ai cũng phải theo dõi hết một tuần mới biết người thắng cuộc. Và trong lúc đó, Covid-19 vẫn cứ lên cao. Một mùa đông nguy hiểm đang đi tới. 

Giã từ 2020. Xin gửi lòng tri ân đến các khoa học gia đã ngày đêm tâm huyết để tìm ra được vaccine. Tri ân đến các cơ quan của chính phủ và tư nhân tiếp tục làm việc phân phối lượng vaccine khổng lồ này ra các tiểu bang, quận hạt, và các thành phố xa xôi. Người ta nói đây là một đặc vụ của thế kỷ, một mission of a century. Và còn biết bao nhiêu người khác nữa đã tình nguyện đưa cánh tay lên để thử vaccine cho nên hôm nay chúng ta có thể dùng đến với một cấp số an toàn cao nhất. 

Giã từ 2020. Năm phải đưa người mẹ thân yêu về cõi vĩnh hằng. Đã được 95 năm có mẹ nên không dám đòi hỏi gì hơn. Chỉ một niềm tri ân đến người và Thượng Đế. 

Giã từ 2020. Tôi xin nhìn về phía trước cho một năm mới và một hy vọng mới, rằng đời sống sẽ trở lại bình thường và gia đình được đoàn tụ trong các mùa lễ hội. Cầu xin ơn trên xoa dịu những linh hồn đã phải chết cô đơn vì đại dịch. Tôi giữ lại những trái tim của lòng nhân ái bởi đó sẽ là những bước chân vững chãi cho hành trình còn lại. 

Tuyết Vân
_________________

No comments:

Post a Comment