Monday, January 7, 2013

Chuyện bây giờ mới kể

Ngọc Cát  


Tôi sinh ra và lớn lên ở Qui Nhơn, nơi có mộ Thi Sĩ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ tài hoa nhưng yểu mệnh của chúng ta.
Quê tôi có sóng biển xanh
Có bãi cát trắng chạy quanh ven bờ
Nhà tôi ở trước kia là đường Gia Long, nay là Trần Hưng Đạo. Tôi có ba người bạn chí thân. Kim Nguyên ở sát cạnh nhà tôi, đặc biệt bạn ấy có chiếc răng khểnh cười duyên. Thu Hiền ở Phan Đình Phùng có biệt danh là Hiền Cò vì cô nàng rất cao mà lại ốm. Và, Hải – tên gọi ở nhà, đi học tên là Kim Loan, nhưng tôi vẫn thích gọi là Hải vì chúng tôi đã quen gọi nhau như thế từ lâu. Hải hiền lắm, lúc nào cũng cười cười nói nói, thế thôi.
Thời tiểu học tôi và Nguyên học trường Nguyễn Huệ; Hiền Cò và Hải thì học trường Ấu Triệu. Lên trung học tôi vô Bồ Đề rồi qua Trinh Vương; Nguyên và Hải vô Nữ Trung Học; còn Hiền Cò thì vô Cường Để. Tuy học khác trường nhưng chúng tôi vẫn chơi thân với nhau. Những buổi trưa nghỉ học tôi thường qua nhà Hải đong đưa trên chiếc võng, hai đứa nói chuyện với nhau cho đến chiều. Tôi cũng hay ăn cơm nhà Hải. Hải gọi má mình là bu. Bu thương tôi lắm, bà thật hiền lành, chất phác. Đôi lúc ham nói chuyện quá không lo bán hàng, bà nhắc: “Bán hàng đi…Nói chuyện mãi… !”. Chúng tôi dạ… dạ… rồi nháy mắt nhau, cười hì… hì…
Hải nhờ tính tình hiền lành nên ba tôi rất thương và tin cô nàng. Bởi vậy nên hai đứa tôi thường lắm khi “qua mặt” ba tôi ngon lành. Cứ cuối tuần là Hải xách xe đạp tới xin phép ba chở tôi đi chơi. Ai chứ Hải xin là ba bằng lòng ngay. Vậy là Hải nhanh chóng chở tôi đi, thả xuống… gặp “người ta”, rồi hẹn giờ đến chở về. Thế là tình cờ Hải đã sốt sắng làm…  “chim xanh” quý báu cho hai đứa tôi.
Buổi chiều nào đi học về sớm, tôi chạy ra chỗ bu Hải bán hàng, nhìn sang nhà Hiền bên kia đường. Trước nhà Hiền có hai cây trứng cá khá sai trái, tôi lấy cây khèo nhưng không được nhiều nên trèo lên luôn để hái hết những trái chín đỏ mọng vàng ươm. Hai đứa cùng ăn và nói chuyện. Chúng tôi ghiền hái trứng cá lắm, cứ bị anh Chiến của Hiền Cò la hoài nhưng cũng đâu có sợ; vài hôm sau lại trèo lên hái nữa. Có hôm hái trước giờ đi học, đem đến lớp cho tụi bạn cùng ăn cho vui.
Có những buổi tối chúng tôi xách xe đạp chở nhau đi ăn bánh bèo bánh xèo hoặc ăn chè ở đường Tăng Bạt Hổ. Thời đó chúng tôi thường để dành tiền quà sáng rồi hùn nhau đi ăn chung. Cuối tuần nghỉ học lại bày trò chơi ô làng, nhảy chuông, đánh đũa, nhảy dây… Thôi thì đủ trò giải trí.
Có chuyện này không bao giờ tôi quên được. Đêm đó có trình diễn văn nghệ ở đình Cẩm Thượng, tôi rủ Hiền Cò và Hải đi xem. Chương trình hay quá chúng tôi mãi mê xem nên đâu có biết là đã khuya rồi. Giật mình, hai nàng ấy đưa tôi về. Tôi không dám gõ cửa, làm sao bây giờ; nhưng cuối cùng tôi cũng phải gõ thôi. Ba tôi mở cửa, ông trừng mắt lên, la to: “Tụi bay đi đâu mà giờ này mới về ? Cho ngủ ngoài đường luôn !”. Ba đứa tôi sợ quá, nhìn nhau như thầm hỏi: “Giờ phải làm sao đây ?”. Cả ba thiểu não ngồi xuống thềm nhà, chẳng ai nói với ai lời nào cho đến khi nhỏ em tôi lén mở cửa cho vô.
Còn Hiền Cò và Hải thì chạy một mạch về nhà. Tôi lo sợ không biết “số phận” của hai bạn mình ra sao ! Sáng hôm sau đứa nào cũng sợ bị ăn đòn. Từ đó chúng tôi không dám đi chơi khuya nữa. Các bạn tôi ai cũng biết tính ba tôi, ổng nóng nảy hay la nhưng rất thương những người bạn thân của tôi.
Tôi và Hiền Cò đều thích hát. Cả nhà bạn ấy, từ chị Oanh anh Chiến chị Hạnh anh Hưng rồi đến Hiền, Hà ai cũng hát hay hết. Nhà Hiền Cò thường tổ chức mừng sinh nhật, đám cưới. Tôi cũng được mời dự và hát trong những dịp ấy. Hải rất thích nghe hai đứa tôi hát. Tôi chưa nghe Hải hát lần nào, nhưng cô nàng lại giỏi kể chuyện hay và hấp dẫn. Những lần Ba của Nguyên vắng nhà, tụi tôi bày trò diễn văn nghệ tại nhà Nguyên. Chúng tôi dùng giường ngủ làm sân khấu, lấy tấm drap làm màn, xếp vài ba cái ghế cho “khán giả” ngồi xem. Hải lo bán vé lấy dây thun, cứ một vé giá 10 sợi. Hiền Cò, Nguyên và tôi thì hát, múa, có ca cải lương nữa. Ôi… Tuổi thơ của chúng tôi… tuổi thơ của chúng tôi… Sao mà vui quá… sao mà dễ thương quá ! Làm sao chúng tôi quên được đây !
Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ập đến, chúng tôi theo gia đình  đến những nơi khác nhau. Vài tháng sau, tiếng súng lặng yên, chúng tôi lại trở về Qui Nhơn sum họp và kể cho nhau nghe những gian khổ trong thời gian hãi hùng đó. Trôi theo dòng đời, chúng tôi lớn lên. Nguyên, Hải và tôi vẫn ở lại Qui Nhơn, chỉ có Hiền Cò đi học xa thôi.
Hồi đó Nguyên quen với một chàng sĩ quan bộ binh, rồi yêu nhau. Mối tình của hai bạn ấy trong thời chiến thật tội nghiệp. Có lần nhớ quá, chàng bay về thăm nàng dù chỉ một ngày thôi cũng đủ. Thế rồi có một lần chàng bị trúng mìn gãy một chân. Vậy mà mối tình của họ vẫn bền vững, vẫn quyết vượt qua rào cản của gia đình. Cuối cùng tiến đến hôn nhân trong vòng lễ giáo. Ngày cưới của đôi bạn, hình ảnh chú rể chống nạn khập khiễng sánh bước cùng cô dâu với hai nụ cười tươi tắn trên môi khiến ai nấy đều xúc động và thương cảm vô cùng. thời gian sau vợ chồng Nguyên sanh được một trai một gái.
Còn Hải thì đi dạy ở Bồng Sơn, một vùng luôn chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Hải cũng có chuyện “Tình Mùa Chinh Chiến” với một chàng sĩ quan pháo binh, không ngờ chàng ta lại là anh hàng xóm với bọn tôi.
Thời gian tô nắng hồng lên môi
Thương đời được người chiến sĩ áo xanh lá cây rừng
Cùng mơ lúc thanh bình nắng vàng sáng lung linh
Chung đắp xây đời đẹp như hoa đầu xuân
(Tình Mùa Chinh Chiến – Thục Vũ – Vũ Hoài)
Mối tình thật dễ thương, đậm đà và chung thủy; cũng có những gian khổ mà hai bạn ấy đã vượt qua. Giống như vợ chồng Nguyên, vợ chồng Hải cũng sanh được một trai một gái.
Còn tôi, qua giới thiệu của bà con, tôi quen với một chàng sĩ quan hải quân. Tuy không yêu nhau nhưng vẫn làm đám cưới vì lời hứa của mình trước khi Má tôi lâm chung cho bà an lòng nhắm mắt.
Biến cố 1975 nổ ra, thêm một lần nữa chúng tôi lại theo gia đình đi tứ tung – Nha trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Sài Gòn… Tôi bị mất liên lạc với chồng tôi suốt thời gian ấy. Sau đó tôi sanh đứa con gái duy nhất mà không có chồng bên cạnh.
Giờ đây – “nửa thế kỷ sau” – ngồi ôn lại thời đã qua, tôi xót xa ngậm ngùi cho Nguyên, nàng đã qua đời cách nay mười sáu năm rồi. Tội nghiệp cho chồng Nguyên bây giờ phải gà trống nuôi con. Hiền Cò thì đang ở Canada. Hải may mắn theo chồng sang Mỹ định cư và có cuộc sống ổn định yên vui. Chỉ có tôi là một mình nuôi con ngần ấy năm dài và bây giờ vẫn đang sống bên cạnh vợ chồng đứa con duy nhất của mình.
Tuổi thơ nay đã qua rồi,
chỉ còn kỷ niệm một thời vàng thau.
Tôi, Nguyên, Hiền, Hải thân nhau,
cùng chia sớt nỗi niềm đau của mình.

Ngọc Cát  


3 comments:


  1. Rất vui gặp lại Ngọc Cát, sau hơn 30 năm, và tại trang nhà nầy với bài viết nầy.

    Kỷ niệm tuổi thơ bao giờ cũng đẹp và đáng trân trong!

    Mong đón nhận thêm những bài viết khác của Ngọc Cát.

    ReplyDelete
  2. Những kỉ niệm thời xưa ở Quy NHơn không làm sao quên được hả chị Ngọc Cát? Chuyện của chị làm em nhớ Quy Nhơn quá và thấy như na ná là chuyện của mình! Nhà em cũng ở đường Gia Long. Hihihi!
    Chị Hải bạn chị là chị Kim Loan vợ anh Ninh, em có quen, hihihi!
    Cám ơn chị!

    ReplyDelete
  3. Chào chị Ngọc Cát.
    QN thuộc lớp nhỏ hơn chị rồi nhưng những tên các Anh chị được nhắc đền trong bài viết gần như QN đều biết hoặc đã nghe đến trước đây. Nhất là gia đình Anh Chiến, chị Kim Oanh em đã quá quen ở bên này. Giờ thêm vợ chồng Anh Huy chị Hải ..
    Hồi đó em cùng lứa bạn bè với Thắng, em của chị Oanh, chị Hà. QN mình nhỏ xíu mà, nên ai cũng biết nhau. Đọc bài viết của chị em thấy như em vừa dạo một vòng Quy nhơn thu nhỏ. Kỷ niệm luôn là những ước mơ đã trôi xa, buồn nhưng vẫn muốn nhớ, mà dù muốn quên cũng không quên được. Em yêu Quy nhơn lắm dù đi xa đã lâu, nên mới lấy tên Quinhon11 đó chị.

    QN11 rất vui khi có các Anh chị tham gia vào trang nhà,
    Nhờ các Anh chị mà trang nhà mấy hôm nay nhộn nhịp hẳn lên.
    Cám ơn Anh Huy rất nhiều cũng như cám ơn tất cả các Anh chị ..
    Trân trọng /QN11

    ReplyDelete