Saturday, January 25, 2014

Nói chuyện với thân phụ cô Kim Phạm: Nỗi lòng người cha mất con

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Đó là ba vị khách cuối cùng của ngày Thứ Sáu bước vào nhật báo Người Việt. Một người có vóc dáng cao ráo cùng vẻ mặt chứa đựng những điều u uẩn đến đăng “Cáo phó” cho đứa con gái duy nhất vừa qua đời ở tuổi 23. Một người mắt đỏ hoe vừa từ New Zealand bay sang để kịp dự đám tang cháu gái mình. Và một người phụ nữ đã gần như bị tắt tiếng, nói ra chữ được chữ mất bởi “cứ khóc suốt những ngày qua.”
Họ chính là bố, là cậu, là mẹ kế của Kim Phạm, cô gái vừa qua đời một cách tức tưởi trong vụ xô xát xảy ra trước cửa quán bar The Crosby, Santa Ana, tối Thứ Sáu rạng sáng Thứ Bảy tuần trước.



Ông Phạm Vũ Anh Dũng, ba của cô Kim Phạm, xót xa nhìn lại những dòng tin nhắn của con gái mình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nỗi đau lớn bất ngờ

Ông Huỳnh Minh Nhàn, cậu của Kim Phạm, nói trong thẫn thờ, “18 năm trước, từ New Zealand, tôi bay sang Mỹ dự đám tang của chị tôi, là mẹ của Kim. Tôi còn nhớ khi đó Kim 5 tuổi, mặc bộ đồ tang trắng mà chạy chơi lung tung. Đến tối nó mới khóc gọi mẹ ơi. Tôi nghe mà không cầm được nước mắt. Ai ngờ 18 năm sau, tôi lại bay sang đây để dự đám tang cháu mình.”
Ông lắc đầu, như không muốn tin được đó là sự thật.
Ông Phạm Vũ Anh Dũng, ba của cô gái vắn số, cư dân của thành phố Westminster, kể lại bằng giọng cố kiềm nén sự xúc động: “Sáng Thứ Bảy vừa rồi, mới 6 giờ sáng, có hai người cảnh sát đến gõ cửa nhà báo cho biết là Kim đang nằm trong bệnh viện. Nghe như vậy tôi biết ngay là Kim rất khó lòng qua khỏi, bởi không thì cảnh sát đã không tìm tới.”
“Cả nhà vào bệnh viện thì đã không còn nghe Kim nói gì nữa. Bác sĩ chỉ cho tôi coi hình một bên xương sọ của Kim bị nứt, máu chảy tràn trong não nên không thể nào mổ được. Khi đó trong tôi vẫn có chút hy vọng. Thế nhưng sau khi làm nhiều kiểm tra, thấy Kim không có phản xạ gì hết thì tôi biết là đã hết. Tôi không muốn thấy con mình kéo dài thêm sự sống đau khổ nên quyết định cho rút ống.” Người cha từ từ kể trong một bầu không khí đầy sự cảm thông với nỗi đau tận cùng mà ông và gia đình đang mang.
Ông Dũng cho biết Kim vừa dọn ra ở riêng khoảng 4 tháng nay, sau khi đính hôn với một người hiện còn đang học tại trường UCLA. Ngày Thứ Năm trước hôm Kim gặp nạn là ngày cô còn nhắn tin cho bố báo rằng cô đi phỏng vấn cho một chỗ làm mới. Ngày Thứ Sáu định mệnh đó cũng là ngày cô đi ăn mừng cho công việc mình mới được nhận.
Ông Dũng tiếp tục kể, như một cách giải tỏa nỗi đau ập đến quá bất ngờ, “Kể từ lúc nhìn thấy Kim trong bệnh viện, tôi quyết định bỏ tất cả công việc để ở đó với con 24/24, cho đến ngày rút ống.”
Người bố cho rằng ông “không đủ can đảm” để chứng kiến cảnh đó, nhưng “rất may mắn” là ông đã không thấy được, vì “khi họ đẩy Kim xuống thì vẫn có đầy đủ ống thở để nuôi các cơ phận, cho đến một giới hạn nào đó thì họ đẩy xe đi và mình không thể vào trong được. Lúc đó mọi người chỉ nói tạm biệt Kim thôi.”
Annie Hương Kim Phạm, 23 tuổi, cư dân Westminster, đã được rút ống trợ thở và tuyên bố tắt thở lúc 12 giờ 36 phút chiều ngày Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, 2014


Tuổi thơ của con, nỗi khổ tâm của bố

“Tôi rất nhớ nó. Buồn thì tất nhiên rồi. Tôi thấy nó giống như một phần cuộc đời tôi, giống như khi mẹ nó mất.” Người bố hít lấy một hơi dài trước khi gắng gượng trả lời câu hỏi “Chú đang cảm nhận tâm trạng của chính mình hiện giờ như thế nào?”
Ông nói chậm, cố ngăn sự xúc động, “Khi mẹ Kim mất, tôi cảm thấy như một phần cuộc đời tôi đã mất. Đến bây giờ là Kim, tôi cũng cảm thấy như vậy. Rất là trống vắng.”
Không gian xung quanh như đặc quánh.


Những dòng tin nhắn của Kim Phạm gửi cho bố mình vào ngày Thứ Tư, 15 Tháng Giêng, 2014, hai ngày trước khi cô gặp nạn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Tôi nhớ hình ảnh Kim thời gian mẹ nó mất, lúc nó 5 tuổi. Nó ngồi trong căn phòng hơi thiếu ánh sáng một chút, chỉ có một mình nó ngồi đó cầm cây viết vẽ gì đó, một mình.” 
Cứ vậy, người cha vừa mất con cứ từ từ kể, như chưa bao giờ ông kể ra hết câu chuyện của đời mình, câu chuyện của người đàn ông vừa phải đi làm vừa phải nuôi hai đứa nhỏ, Kim 5 tuổi và anh trai Kim 15 tuổi.
Một người em của ông Dũng ở San Jose đã mang anh trai của Kim về chăm sóc. Chỉ còn Kim sống cùng bố ngay tại thành phố này.
“Khi đó còn có hai cha con, tôi đi làm không thể để Kim ở nhà một mình, đành gửi nó cho người bạn gần đó. Nhưng người bạn này hay nhậu, tôi không nhậu cùng thì họ giận, và không thèm giữ con mình nữa. Tôi cứ bị áp lực đó hoài. Sau cùng bí quá cũng phải lập gia đình. Bà xã tôi bây giờ có 4 đứa con trạc tuổi Kim. Tôi nghĩ như vậy thì mình dựa vào nhau mà sống. Khi đi làm tôi có thể để Kim ở nhà chơi với mấy đứa nhỏ kia, lại có bà ngoại tụi nó ở nhà trông.”
“Tôi nghĩ là có một lối thoát nhưng quả thật cũng có cái khổ tâm. Bốn đứa nhỏ thì cũng có đứa hạp, đứa không với Kim, con nít mà, nên chắc có lúc Kim cũng buồn tôi về chuyện đó nhưng tôi không còn đường lựa chọn nào khác.” Người bố dường như vẫn còn day dứt, dù rằng nỗi niềm này đã được Kim thể hiện rất rõ trong bài “Men don't talk about their feelings” được in trong tập sách “Pho for Life.”
Trong bài viết này, Kim đã viết về nỗi buồn, về sự hờn dỗi bố khi ông yêu và tái giá với một phụ nữ khác. Trong nhiều năm trời, cô tránh ăn các bữa ăn tối cùng bố và người mẹ kế. Chỉ cho đến khi cô tìm thấy được những kỷ niệm về cô mà bố cô cất giữ cẩn thận nơi một góc tủ, Kim mới hiểu ra bố cô đã yêu thương cô đến như thế nào. Và đó cũng là lúc Kim nghĩ đến câu người ta nói về người cha Việt: “Đàn ông không biểu lộ tình cảm của mình.”

Kỷ niệm còn lại

Ông Dũng cho biết lần cuối cùng hai bố con ông gặp nhau chỉ cách ngày định mệnh đó 3, 4 ngày, “Hôm đó nó mang xe về để tôi thay nhớt xe cho nó.” Ông nói trong đau khổ.
“Trong những ngày này, lúc tĩnh lặng nhất để nhớ về Kim, thì chú nhớ điều gì?” Tôi hỏi.
“Tôi nhớ những lọ bông nó gửi về cho tôi những lúc nó đi xa không kịp về những dịp lễ, hay những tấm thiệp Giáng Sinh mà nó thường gửi cho tôi. Chỉ duy có năm nay tôi viết thiệp gửi cho nó vì nó ra ở riêng. Nó nhận được thiệp nó mừng lắm. Nó chụp hình gửi lại cho tôi để nói rằng nó mừng lắm. Nó mừng trên mức mà mình nghĩ.”
Ông cắn môi, nói tiếp, “Điều đó làm cho mình đau lòng, làm mình tự hỏi tại sao mình chỉ gửi cho nó một tấm thiệp mà nó lại mừng đến mức độ như vậy? Tôi không cảm thấy đó là vui mà lại thấy đau lòng, thấy con mình quá trân trọng những gì mình làm cho nó trên mức một người bình thường làm.”
Người bố lấy từ trong túi ra chiếc điện thoại, tìm lại những dòng tin nhắn mà hai bố con họ thường text cho nhau.
“Tôi hay text cho nó nói với nó rằng con đừng nên giận hờn ai cả, hãy sống cuộc sống không giận hờn thì mình sẽ có sự bình an. Nó nói cảm ơn tôi vì tôi đã giúp cho nó thấy được điều đó.” Ông kể, và đọc cho tôi nghe một dòng tin nhắn pha giữa tiếng Anh và tiếng Việt đầy những lỗi chính tả mà chỉ có người bố đọc vào là hiểu ngay con mình muốn nói gì.
“Nó text cho tôi nè 'Con only know how to forgive (bỏ qua) tại vì con đã thấy Bố bỏ qua. Con mến một cái là Bố biết bỏ qua. Trong cuộc đời của Bố, so I learn from you. So I thank you for being example cho con. Cái đó là Chúa will see you did good dad. I'm at peace.' Cô nhìn thấy nó viết sai tiếng Việt không?”
Rồi ông đọc tiếp câu ông text cho con mình, “Lái xe cẩn thận, con đừng text trong lúc lái xe driving. Tôi dặn nó đó.” Ông nghẹn giọng.
Giờ có muốn text một dòng như vậy, ông biết text cho ai...
“Những cái text này tôi sẽ giữ nó mãi, không bao giờ tôi delete nó.” Ông nói khi mắt đầy ngấn nước.

Tin nhắn ông Phạm Vũ Anh Dũng chúc Kim Phạm "một ngày mới nhiều niềm vui và may mắn, interview có kết quả tốt" được gửi đi vào ngày Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2014, một ngày trước khi Kim bị đánh chết. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Con là đứa con gái rất ngoan và sâu sắc, bố không lúc nào không nghĩ và lo cho con. Bố cầu nguyện cho con hằng ngày, hằng đêm, hằng ca gác cho con sự bình an, đạo đức. Bố sẽ sát cánh với con để chia sẻ những khó khăn về tiền bạc, đừng ngại ngần khi cho bố biết nếu con gặp khó khăn.” Ông đọc tiếp những dòng tin còn nằm lại trên chiếc điện thoại của mình. Và cả của cô gái đã ra đi ở tuổi 23.
Ông thổ lộ, “Tôi có một điều hối tiếc là có nhiều bữa Kim nấu ăn, nấu bún bò, nó bảo bố tới ăn nhé, nó mới học nấu, cứ nấu thấy món gì ngon thì lại mời tôi mà tôi chưa một lần nào đến ăn được. Đó là điều tôi hối tiếc nhất đến giờ. Có lẽ tôi đã dành thì giờ cho nó quá ít.”
Tôi ngập ngừng hỏi, “Trong đời sống hằng ngày, có bao giờ thoáng qua trong đầu chú hình ảnh con chú sẽ qua đời trước mình ở tuổi như vậy không?”
Ông im lặng, khó nhọc thở dài, “Tôi lúc nào cũng lo sợ điều đó. Thực sự mà nói, lúc Kim còn sống, tôi cứ nghĩ không biết mai này khi tôi chết trước Kim thì ai sẽ lo cho nó mọi chuyện. Liệu anh nó có chấp nhận nó không? Mẹ kế nó có chấp nhận nó không? Và nó có chấp nhận mọi người không? Tôi lo lắm. Nhưng giờ thì nó đã đi trước tôi nên tôi hết lo rồi, không còn gì để lo nữa.” Ông ngậm ngùi.
Ông Dũng kể, trong suốt tuổi thơ Kim, “Không bao giờ tôi dám đi đâu, thậm chí cả đi sang thăm anh nó tôi cũng không đi. Cách đây vài năm bà xã tôi về Việt Nam tôi cũng không đi. Tại vì tôi sợ khi tôi đi xa, lỡ ở đây nó có chuyện gì tôi về không kịp. Nên lúc nào tôi cũng lo cho nó hết.”
“Nhưng mà điều mình lo lắng nhất thì nó đã xảy ra.” Ông cắn môi, im lặng.
Người bố đan tay lại nói, như một niềm an ủi, “Giờ tôi chỉ có một niềm an ủi là cái chết của Kim có ý nghĩa. Vì ngay cả khi nó chết, nó cũng giúp được ít nhất 5 người qua hành động hiến tặng các cơ phận của nó sau khi qua đời.”

Ân tình nước Mỹ

“Qua sự việc của Kim, tôi thấy nước Mỹ này có nhiều điều hay lắm! Họ luôn luôn nâng đỡ những hoàn cảnh như vậy. Tôi khó diễn tả quá!” Ông Dũng nhận xét.
Ông kể, “Hồi mẹ Kim mất, ngày đó gần Noel, những cơ quan thiện nguyện của Mỹ từ đâu họ gửi quà đến nhiều lắm, họ như muốn làm cho niềm đau khổ của mình vơi đi. Họ hay lắm!”
“Hay từ hôm Kim bị nạn đến giờ thì các tổ chức, những người động lòng trắc ẩn họ làm những điều khiến mình cảm động lắm. Như những bạn bè của nó tự nguyện quyên góp, điều đó mình đâu có yêu cầu. Rồi ngay cả nơi in mấy cuốn sách có bài Kim trong đó, họ tặng 7 bộ sách gồm cả quyển 1 và 2. Họ cũng in cho tấm hình của Kim lớn lắm, đẹp lắm tặng cho gia đình.” Ông bố nói trong niềm cảm kích.
Ông Dũng cho biết, “Có những chỗ họ gọi nói đám tang của Kim họ sẽ đến quay phim chụp hình không lấy tiền, có chỗ thì nói họ ủng hộ cho thức ăn trong những ngày đám tang. Có chỗ cho biết họ sẽ tặng 500 áo thun in hình Kim để mọi người mặc trong đám tang. Tuy mình chưa nhận lời nhưng một lời nói của họ khiến mình cảm thấy ấm lòng, và làm tôi xúc động rất nhiều.”
Người bố kể thêm, như một sự an ủi, “Một sự kiện cũng làm tôi cảm động là ngày chót trước khi rút ống thở thì có một người bạn của Kim ngồi xe lăn từ San Jose xuống đây để vô thăm nó. Nó ngồi trên xe lăn nhìn Kim một lúc như để tiễn biệt rồi nó đi.”
Nói về sự ra đi của Kim Phạm, bà Đoàn Thị Ngọc Trâm, mẹ kế của Kim,cho biết, “Lúc đầu gia đình rất đau khổ, cứ nghĩ mất mạng thì người ta phải đền mạng. Nhưng sau đó nghĩ lại thì thấy họ cũng tội nghiệp. Dĩ nhiên ai gây tội thì phải đền tội nhưng vấn đề tội như thế nào thì cứ để tòa phán xét, quyết định.”
“Việc làm cho tình tiết nặng thêm thì chúng tôi không làm đâu.” Người bố tiếp lời.

* * *

Thứ Hai này, 27 Tháng Giêng, lễ tang Kim Phạm sẽ được tiến hành, sau khi xác cô được cảnh sát trả về cho gia đình vào đêm Thứ Sáu.
Thứ Ba, 28 Tháng Giêng, Theresa Annie Kim Phạm sẽ được hỏa táng. Sau đó gia đình sẽ đưa hài cốt cô về đặt cạnh mộ người mẹ mà cô yêu thương ở nghĩa trang Forrest Lawn Memorial Park, Glendale.
“Rồi đây thì tôi phải tập quên thôi, dù tôi không biết mình có làm được hay không nhưng nếu mình cứ nhớ mãi thì làm sao được, càng nhớ càng đau khổ, biết làm sao đây.” Người bố ngậm ngùi.


NgocLan@nguoi-viet.com
___________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment