Thursday, August 29, 2019

Trước sau như một!

Takenaga Hisahide is with Diem-Thuy Nguyen

Naha - Okinawa 1979 

Sáng nay nhận được hình chụp từ cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt tại Canada trước Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Ottawa, chợt nghĩ đến một bài viết cũ cách đây một năm của chị Qui Nhơn. Bài viết nhiều cảm xúc, trăn trở của một người từng một thời sống trọn vẹn với nhiệt huyết của tuổi trẻ - dấn thân, đau đáu trước vận mệnh của dân tộc và quê hương.
Hình quinhon11/ 1979 - Okinawa
40 năm là con số tròn trịa đặc biệt. Tuổi trẻ đi qua và điều còn ở lại  được viết 40 năm sau khi tác giả đặt chân đến bờ bến tự do, có tên gọi là Okinawa. Con số 40 năm và những tình bạn đặc biệt được chị nhắc nhiều trong các bài viết của chị một cách trân quý, chân tình mà đôi khi làm người đọc không khỏi bồi hồi, xúc động. Có lẽ nếu không được chính người bạn hiền của chị kể lại, kỷ niệm của một thời tuổi trẻ hào khí chưa bao giờ mai một của các anh, chị sẽ mãi nằm yên ở một góc kỷ niệm thuở thanh xuân.

Chuyện vào 40 năm trước, khi nghe tin đoàn văn công XHCN Việt Nam sẽ tổ chức một buổi trình diễn nhạc dân ca VN tại nhà hát Naha, Okinawa, qua mặt luôn cả của cuộc biểu tình chỉ 3 người trên đường phố Tokyo vào những năm đó trên đường phố Tokyo, hơn 50 người Việt tỵ nạn tại trại Motobu-cho, Okinawa đã âm thầm chuẩn bị cho 1 cuộc biểu dương bất thần. Họ đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước, người liên lạc, kẻ may cờ, kẻ viết biểu ngữ.... Tác giả Qui Nhơn, một trong 2 người trẻ trong ban tổ chức, đã sát cánh cùng những anh chị em tại trại tỵ nạn Motobu-cho tự bỏ tiền túi, thương lượng với các bác tài xế, 5 người một taxi di chuyển hơn 1 tiếng rưỡi để đến địa điểm cách trại 85 cây số, nơi đoàn văn công việt cộng trình diễn. Với những người tỵ nạn tại Nhật thời ấy, số tiền ít ỏi được trợ cấp hàng tháng chỉ đủ cho những chi tiêu cá nhân, một ngày lương cho những công việc đồng áng chỉ là 1500 Yen, 1 cuốc xe taxi trên 85 cây số quả là một số tiền rất lớn.

Rời trại lúc 9 hay 10 giờ, khi đến nơi, vẫn còn quá sớm, vì phải “lên kế hoạch” sao cho nhanh-gọn bất ngờ, du kích chiến mà, mọi người phân tán thành nhiều nhóm nhỏ, đợi giờ hành động và 6 giờ chiều .... đã đến và họ ra tay đẹp hơn cả “bài bản” định trước. Cũng cần phải nhắc đến sự tiếp tay không thể thiếu của anh Toma Chương, con trai bác Toma, một thông dịch viên của trại Motobu-cho sau này. Anh là người đã kịp thời phát hiện tấm bích chương quảng cáo buổi trình diễn và liên lạc với các anh em trong trại Motobu-cho để thành lập ngay "kế hoạch" ra quân.


trước nhà hát Naha, Okinawa - 1979 

Dư âm của những ngày này đã được lưu lại bằng nhiều tấm hình cũ, trong đó có một tấm hình mà tác giả là chị, với dáng cao dong dỏng, mái tóc dài cột gọn nên không thể lẫn vào ai, nghiêm chỉnh “thủ” giữ 1 góc của lá cờ vàng cùng với những người bạn tay ôm biểu ngữ viết bằng ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật hoà nhã đứng giàn hàng ngang trước cửa nhà hát Naha. 
Nhẹ nhàng với những người khách vào xem bằng những câu tiếng Nhật mới học, chị cùng các anh chị em trong nhóm đã nhận được sự đồng cảm từ chính quyền và người dân địa phương, dù rằng sau đó các anh chị được mời về đồn cảnh sát để được dặn dò: tại Nhật biểu tình phải được thông báo và xin phép cảnh sát. Với sự giúp đỡ của cha Martin từ Tokyo, một ân nhân và là một người hiểu rất rõ tâm tình người tị nạn, cha Martin đã gọi điện nhờ một cha người Mỹ tại Okinawa để nhờ thông dịch và giải thích rất rõ ràng với cảnh sát. Ngay tối hôm đó một chuyến xe buýt của Hồng Thập Tự được điều lên Naha để đưa các anh chị quay về Motobu.
Sau một ngày “dầm mưa dãi nắng”, nhưng trên 50 anh chị em đã có những giây phút ngồi bên nhau như chưa bao giờ gần nhau hơn, trong trái tim và trong một tình bạn bền vững và cảm thấy vui khi tất cả đã đồng lòng làm một việc đầy ý nghĩa.
40 năm sau, với tâm tình trước sau như một, vẫn là những trăn trở thời cuộc. Những tâm sự của chị thường trải dài qua nhiều bài viết nhắc về một giai đoạn của tuổi thanh xuân đầy hào khí, và chị đang tiếp tục sống như thế dù có bị cơm áo và cuộc sống tất bật quật ngã ít nhiều.
“Thị khí sở bàng bạc, lẫm liệt vạn cổ tồn”.
Khí chất của con người chị vẫn tràn ngập, vẫn còn oai phong lẫm liệt.
Xin mời bạn đọc tâm tình của một tấm lòng trước sau như một :
Tuổi trẻ đi qua và điều còn ở lại ..   Khi thanh xuân chỉ còn là những giây phút để nhìn lại, để nhớ về....




  • ______________________________

2 comments:

  1. Cám ơn DT. Mấy tấm hình đi biểu tình mấy mươi năm mà anh em vẫn còn giử. Thật khâm phục. Chị ngạc nhiên vô cùng về mấy tấm hình chụp chị thưở 20. Vắt óc cũng Không thể nhớ đã chụp hồi nào, mà chị chưa bao giờ thấy cho đến hôm nay. Rất cám ơn Anh Takenaga Hisahide và DT cùng đại gia đình Okinawa đã làm sống lại kỷ niệm một thời của chị./
    Quí mến. QN

    ReplyDelete
    Replies
    1. thanhtaynguyen@facebook.comAugust 30, 2019 at 11:39 PM

      Gia đình Okinawa luôn giữ lửa yêu thương,thân tình.

      Delete