Thursday, December 3, 2020

Mùa sửa đường

 Tạ Phong Tần


Kiểu sửa đường ở VN - Huy động sức dân để sửa đường


Cứ đến mùa Hè là các con đường lớn nhỏ ở Orange County, Nam Cali, đều nhộn nhịp sửa chữa. Tôi đặt cho mùa Hè ở đây thêm một tên mới khác là Mùa Sửa Đường.

Có nơi chỉ là giặm vá vài ô vuông lớn hơn gang tay bị bong tróc nhựa cũ gây lồi lõm mặt đường, có nơi cán nhựa lại một, hai lane ở một bên đường, có nơi cán nhựa lại nguyên đoạn đường cả hai chiều dài vài chục thước, có nơi vẽ lại các đường sơn trắng, các dấu mũi tên trắng to đùng nổi bật trên mặt nhựa đen… làm cho mặt đường trở nên phẳng lì, láng mướt, xe chạy êm ru, người lái xe nhìn rõ các chỗ cho phép quẹo trái, quẹo phải, lưu thông trở nên dễ dàng hơn. Ở bất cứ đâu, sửa đường đều gây ra tình trạng kẹt xe.

Không có gì khó chịu bằng bị kẹt xe trong mùa sửa đường, khi mà ngay cả độ lạnh nhứt trong xe cũng không đủ làm mát cho người ngồi trong xe. Chúng ta đều biết rằng nhiệt độ ta đọc trong bản tin dự báo thời tiết là nhiệt độ được đo trong bóng râm. Thực tế, mặt đường nhựa, đá hoặc nền xi măng là những loại vật liệu hấp thụ sức nóng, màu sắc vật càng đậm sự hấp nhiệt càng cao, ánh nắng mặt trời chiếu xuống đường rồi hắt ngược trở lên thì sức nóng tăng thêm gấp bội phần.

Thập niên 70, khi những chiếc tàu phá băng công suất cực mạnh của Liên Xô (cũ) đứng chết ngắc trong biển băng Bắc Băng Dương thì người ta nghĩ ra cách dùng bột than đen rắc lên mặt băng xung quanh tàu. Tàu tiến đến đâu rắc bột than đen tới đó, băng tan chảy dưới sức nóng của ánh mặt trời. Bột than đen và ánh mặt trời đã dễ dàng làm được cái điều mà tàu phá băng không làm được. Vì vậy, nếu ở ngoài đường nhựa (tất nhiên là màu đen), lại thêm trời đứng gió, độ ẩm không khí thấp (đặc điểm mùa Hè Nam Cali) thì nhiệt độ dự báo là 36C (96.8F), nhưng thực tế chúng ta đang bị “đốt” trong cái nóng khoảng 40-41C (104-105.8F). Có khi quãng đường chỉ vài miles nhưng phải mất ba chục phút mới thoát khỏi chỗ kẹt xe. Càng khổ sở hơn nếu đang kẹt xe mà người trên xe lại có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn,” đi tới không được mà xuống xe cũng không xong.

Ðể chống lại ánh nắng gay gắt, công nhân sửa đường ăn mặc quần áo dày và rộng, kín mít từ đầu tới chân, đi giày vải cho thoáng mát. Cả ngày họ làm việc ngoài trời, sức nóng từ mặt đường nhựa hắt lên nóng rát cả mặt mũi. Họ dùng máy đào sâu xuống mặt đường hơn cả tấc. Tuy nhiên, họ phải cố gắng hoàn thành công việc trong thời gian Hè, nhờ trời nóng mà nhựa chảy ra khắn chặt xuống cốt đường và các lớp đá dăm. Nếu đường bị ẩm và gặp nước thì lớp vá mới sẽ không khắn vô lớp nhựa cũ và cốt nền, xe chạy qua chạy lại lớp vá mới sẽ bật lên. Những con đường ở Orange County có đặc điểm vuông vắn như bàn cờ và giao nhau ở các ngã tư. Vậy mà nhiều lúc muốn lái xe từ đầu này qua đầu kia thì phần lớn các con đường song song nhau đều đang sửa chữa hết, phải đi vòng rất là xa.

Trước khi kết thúc mùa mưa thị trưởng các thành phố công bố trên báo, TV về kế hoạch sửa đường — đường tên gì, đoạn nào, sửa thời gian nào, người dân có thể né những đoạn sửa đi bằng đường khác như thế nào… Orange County đông đảo người gốc Việt nên bản tin này cũng được phát trên các báo, TV tiếng Việt. Ở Việt Nam không cần công bố chi tiết bản đồ sửa đường như vậy, bởi lẽ đường nào cũng bị nhà nước đào lên lỗ chỗ hết.

Dù sao thì việc sửa đường ở Orange County cũng chưa bằng một phần nhỏ nỗi “kinh hoàng” của người dân Việt Nam, nhất là khu vực Sài Gòn — nơi mật độ dân cư đông nhứt nước. Ở Mỹ, người ta đặt vật che chắn nhỏ trên mặt đường để sửa trong ngày làm việc, hết giờ làm phải thu dọn hết, ngày Thứ Bảy, Chúa Nhật không sửa chữa thì đường thông thoáng, đầu tuần làm việc mới lại tiếp tục. Vật che chắn nhỏ không hạn chế tầm nhìn của lái xe, trong khi chờ đợi người ngồi trên xe có thể “giải trí” bằng cách quan sát cách làm việc của công nhân. Họ che chắn đường trong từng đoạn ngắn và làm theo kiểu cuốn chiếu. Với cách làm đó thì hạn chế rất thấp phạm vi mặt đường phải thu hẹp, rút ngắn thời gian thu hẹp. Công nhân ở đây sửa đường toàn sử dụng máy móc, nên thời gian sửa cũng rất ngắn. Nếu chỉ là giặm vá thì có thể trong vài giờ đồng hồ là xong.

Việt Nam cũng có sửa đường y như vậy, nhưng kiểu sửa đường kiểu Việt cộng thì không giống ai. Tức là đồng loạt đào khắp thành phố nham nhở, lỗ hang, khoét những cái hố sâu hoắm xuống mặt đường, đổ gạch đá đống đống chình ình trên mặt đường khắp nơi. Lấy những tấm tôn cao quá đầu người sơn màu xanh lá cây đóng kín xung quanh che chắn những phần đường nham nhở đó lại rồi dựng những tấm bảng đề chữ “công trường đang thi công” ở hai đầu. Người dân gọi những chỗ này là “lô cốt”. Hồi xưa, lô cốt được xây dựng kiên cố xung quanh đồn để bảo vệ đồn. Lính canh trong đồn núp trong lô cốt bắn ra ngoài.

Ngày nay, “lô cốt” mọc chình ình đầy đường cũng “kiên cố” chẳng khác gì các lô cốt quanh đồn hồi xưa, nhưng không nhằm mục đích bảo vệ cho ai, mà chỉ có gây cản trở, khó khăn cho cuộc sống người dân. Nó cứ “ngạo nghễ” nằm chềnh ễnh như vậy quanh năm suốt tháng, chỉ được dẹp bỏ trong khoảng nửa tháng Tết Nguyên đán, rồi sau đó lại “mọc” lên y cũ. Chưa có quốc gia nào mà bị tình trạng kẹt xe kinh khủng và lối giao thông kiểu “tổ kiến” như ở Việt Nam thời nay. Khi còn ở Sài Gòn, có lần tôi đã tò mò nhìn thử qua khe hở vô bên trong các tấm tôn để coi họ sửa giống gì trong đó mà lô cốt đứng quanh năm chẳng thấy dỡ bỏ. Hỡi ơi! Bên trong chỉ là những đống gạch đá và những cái lỗ nham nhở sâu hoắm, không có công nhân nào làm việc thì làm sao sửa xong cho được.

Còn những chỗ họ chịu vá thì cách làm rất là thủ công, nếu không mô tả chi tiết quý độc giả xa quê mấy chục năm không thể hình dung nổi. Công nhân Việt Nam dùng cuốc chim cuốc mặt đường lên lỗ cạn hều, trộn nhựa nấu chảy với đá dăm lí rí rồi công nhân xúc vô, dùng ky bưng tới đổ xuống, lấy cái cào kiểu nông dân cào phơi lúa cào nhựa phẳng ra. Sau đó cho xe hủ lô cán qua một lượt là xong. Lớp nhựa mới mỏng như bánh tráng, không đủ sức bám dính với nền đường bên dưới. Xe chạy qua chạy lại chừng nửa tháng là miếng “bánh tráng” này tróc lên, cái lỗ lủng còn bự và sâu hơn lúc chưa vá.

Ðây là tôi chỉ đề cập đến những con đường lớn ở đô thị mà thôi. Nhà cầm quyền Việt cộng phó mặc cho dân quê “tự sinh tự diệt” với những con đường đầy “ổ trâu,” “ổ voi” dày đặc, tự sửa bằng tiền túi của dân. Ở Hóc Môn (Sài Gòn), Lào Cai, dân chịu hết xiết cảnh đường hư nước ngập, làm đơn xin nhà nước Việt cộng sửa đường từ năm này qua năm khác không ai ngó ngàng tới, nên dân tự bỏ tiền túi ra mua vật liệu, mướn nhân công sửa đường. Ngay lập tức, đội quân cầm quyền ăn hại Việt cộng ùn ùn kéo tới bắt người sửa đường phạt vạ ngay. Nếu để dân tự sửa thì bọn quan tham lấy lý do gì để “cấu” vô 40-45% giá trị công trình tiền ngân sách nhà nước mướn các công ty làm đường sửa đường. Thật khổ nạn cho kiếp dân đen xứ Việt.

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)

_________________________________

1 comment: